1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Máy CT cấp cứu hỏng, Bệnh viện không thể sửa vì "đấu thầu"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết, máy CT trong phòng cấp cứu của nơi này đã hư nhiều tháng trời mà không sửa được, khiến bác sĩ không thể cứu người đột quỵ trong 45 phút.

Tại cuộc khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TPHCM về tình hình triển khai đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 diễn ra ngày 27/10 ở Bệnh viện Nhân dân 115, những khó khăn, bất cập về việc mua sắm, sửa chữa máy móc tiếp tục được các bác sĩ chia sẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não cho biết, Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất nước, với khoảng 14.000 trường hợp mỗi năm. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam được Hội Đột quỵ Thế giới trao chứng nhận Kim cương vào năm 2020. Đạt được đã khó, nhưng giữ được chuẩn trên lại càng khó, vì phải đáp ứng chặt chẽ các tiêu chuẩn trong cấp cứu đột quỵ.

Máy CT cấp cứu hỏng, Bệnh viện không thể sửa vì đấu thầu - 1

Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong đó, ít nhất 60% bệnh nhân vào viện vì đột quỵ phải được tiếp cận, điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong vòng 45 phút. Cụ thể, toàn bộ quy trình vào cấp cứu, thăm khám, xét nghiệm, chụp CT Scan của bác sĩ điều trị, mời hội chẩn, dùng thuốc phải diễn ra trong tổng thời gian 45 phút.

Thế nhưng, máy CT Scan trong phòng cấp cứu của bệnh viện hư vẫn nhiều tháng trời chưa sửa được, khiến bệnh nhân bị đưa qua nơi khác với quãng đường xa hơn rất nhiều, mất thời gian vàng. Do đó, bệnh viện không thể cứu bệnh nhân đột quỵ trong vòng 45 phút, bị rớt xuống hạng "Bạch kim" vì không thể đáp ứng chuẩn "Kim cương".

Lý giải nguyên nhân vì sao máy móc điều trị hư hỏng nhiều tháng mà không sửa được, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: "Máy CT Scan hư, sửa chữa lớn thì phải đấu thầu, mua sắm mấy tháng mới có. Mua một bóng đèn của máy cũng phải đấu thầu mấy tháng mới có, còn ở bệnh viện tư nhân hư bóng đèn thì ra mua có liền".

Từ khó khăn trên, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng mong muốn đoàn giám sát của HĐND TPHCM hiểu được khó khăn của ngành y tế để có giải pháp giúp bệnh viện có nhiều phương tiện hơn phục vụ người bệnh, mà cụ thể nhất hiện tại là máy CT Scan.

Máy CT cấp cứu hỏng, Bệnh viện không thể sửa vì đấu thầu - 2

Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo bác sĩ Thắng, Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi đầu tiên áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID hỗ trợ can thiệp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ quá 6 giờ. Nếu bệnh viện chờ cơ chế, có thể phần mềm này chưa về được Việt Nam. "Chính giám đốc bệnh viện phải đi kiếm nguồn và thông qua ngoại giao mới có và đưa vào áp dụng từ năm 2019" - Bác sĩ Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện nói thêm.

Lãnh đạo bệnh viện kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các bệnh viện mua sắm, sửa chữa, tiếp tục đầu tư, trang bị lại các thiết bị máy móc phục vụ bệnh nhân.

Tại cuộc thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, diễn ra sáng 22/10, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến việc đấu thầu đã bắt đầu được phản ánh từ hơn 8 tháng trước, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách.

"Theo quy định khi đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác tham khảo?" - bác sĩ Thức phân tích và cho biết, hiện đang có thực trạng máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng rất khó sửa chữa.

Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lo ngại về những vướng mắc trong mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao. Ông cảnh báo việc xử lý còn quá chậm sẽ khiến các bệnh viện không có thuốc, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các đại biểu đề nghị, Quốc hội cần ra nghị quyết xử lý tức thì các vấn đề trên, thay vì chờ sửa xong các luật.