Bác sĩ vượt "bão" đấu thầu, đem máy tiền tỷ về cứu bệnh nhân bỏng nặng
(Dân trí) - Nhờ hệ thống kính vi phẫu có giá gần 3 tỷ đồng và "miễn nhiễm" với rủi ro về đấu thầu, các bác sĩ ở TPHCM đã tạo thêm hy vọng sống cho những trường hợp bỏng nặng, đứng trước nguy cơ tàn phế.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa thực hiện ca phẫu thuật chuyển vạt da thành công cho một bệnh nhân bị hoại tử rất nặng.
Cứu chàng trai bỏng nặng khỏi nguy cơ tàn phế
Bệnh nhân là anh N.V.P. (26 tuổi, quê An Giang). Theo lời kể của chàng trai, trước đó vào giữa tháng 7 khi đang đi làm hồ, P. giơ thanh sắt lên cao thì bị đường dây điện gần công trình phóng xuống người. Anh được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được xác định bỏng điện diện tích 21% vùng thân, 2 tay và chân trái, 8% độ III, IV. Bệnh nhân phải cắt bỏ một ngón của bàn tay phải, còn bàn tay trái hoại tử rất sâu.
"Bác sĩ nói sẽ dùng kính vi phẫu để phẫu thuật chuyển vạt da vùng đùi để ghép và nối mạch máu nuôi ở tay cho tôi, nhưng tỷ lệ thành công chỉ 50-50, nếu thất bại có thể phải cắt cụt. May mắn là ca mổ thành công, giữ được bàn tay mừng quá" - anh P. kể và cho biết 10 ngày sau mổ, tay đã hết đau, cử động được. Việc không bị tàn phế cũng giúp tinh thần bệnh nhân đã lạc quan trở lại.
Bác sĩ Hiệp cho biết, trước đây để phẫu thuật chuyển vạt da, nối ghép mạch máu cho bệnh nhân bỏng nặng, các bác sĩ phải dùng kính lúp nhưng thực hiện rất khó khăn vì độ phóng đại thấp. Nguy cơ tắc mạch, hoại tử vạt sau mổ rất dễ xảy ra.
Đã có rất nhiều trường hợp không thể bảo tồn các gân cơ cổ tay, khiến bệnh nhân không thể sinh hoạt cầm nắm như bình thường, tinh thần vì thế cũng suy sụp nặng nề.
Trong khi đó với hệ thống kính vi phẫu, hình ảnh phẫu trường được phóng đại lên nhiều lần, độ sắc nét cao, kể cả ở những mạch máu có kích thước siêu nhỏ. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể phẫu thuật đưa mạch máu nuôi và da ghép cho các vùng cơ thể bị khuyết vì cắt lọc hoại tử với thao tác nhanh hơn, miệng nối hoàn hảo hơn, kết quả sau mổ tốt hơn.
Từ nhiều năm nay, các y bác sĩ đã khát khao có được hệ thống kính vi phẫu. Tuy nhiên máy có giá rất cao, khoa lại không có kinh phí, và nếu có tiền cũng mua không dễ, vì phải đáp ứng chặt chẽ các quy định pháp luật (trong đó có luật đấu thầu).
Máy tiền tỷ "miễn nhiễm" với rủi ro đấu thầu
Không chấp nhận thực tế trên, bác sĩ Hiệp quyết định tìm con đường khác để đưa máy móc hiện đại về phục vụ bệnh nhân. Và sau nhiều nỗ lực, cơ duyên đưa ông gặp được một nhà hảo tâm.
"Nhà hảo tâm là ông Ngô Quang Trường, chủ một công ty thủy sản, con bệnh nhân cũ của khoa. Trong quá trình nằm viện, cụ ông được các nhân viên y tế điều trị bỏng rất tận tình.
Thời gian chăm sóc cha, người con biết được chúng tôi vẫn còn thiếu thốn những máy móc điều trị quan trọng, nên có đặt vấn đề giúp đỡ. Chỉ trong vòng 6 tháng sau, hệ thống kính vi phẫu do Đức sản xuất, có giá lên đến 2,85 tỷ đồng đã được anh ấy tài trợ cho khoa" - bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Đến nay, bác sĩ Hiệp cùng cộng sự đã thực hiện phẫu thuật chuyển vạt da vi phẫu, với sự hỗ trợ của hệ thống trên cho khoảng 10 trường hợp bỏng điện nặng. Bệnh nhân không phải đóng thêm bất cứ khoản phí điều trị kỹ thuật cao nào so với trước đó.
"Hệ thống kính vi phẫu sẽ tạo thêm niềm hy vọng cho bệnh nhân có vết thương nặng.
Khi chuyển vạt da tốt sẽ bảo tồn được các gân lành, có thể nối thêm những gân mới trong tương lai, giúp bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cho bản thân" - bác sĩ Hiệp phân tích.
Dự kiến trong vài tháng tới, khoa Phỏng sẽ tiến tới thực hiện kỹ thuật nối gân cho bệnh nhân tổn thương bỏng cháy tay, với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu. Đây là kỹ thuật trước giờ nơi này chưa thể tiến hành, vì còn nhiều trở ngại trong khâu ghép vạt da.
Ngoài hệ thống kính vi phẫu, khoa Phỏng cũng được tặng 5 máy monitor và 1 máy thở, trị giá hàng trăm triệu đồng, cũng từ sự vận động của các y bác sĩ. Máy thở dùng hỗ trợ bệnh nhân bỏng hô hấp nặng. Trong khi với máy monitor, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát hơn, hạn chế vấn đề nhiễm khuẩn chéo.
Bác sĩ Hiệp nhận định, máy móc rất quan trọng với bác sĩ, nhất là trong điều trị kỹ thuật cao. Đây là yếu tố quan trọng để phẫu thuật viên nâng cao trình độ, góp phần hun đúc đam mê, từ đó trụ lại với nghề y.
Hiện tại, vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế tại các bệnh viện đang gặp khó khăn trong tình hình chung. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, bác sĩ Hiệp chia sẻ, ngoài việc chờ các ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc trong quy định, người làm chuyên môn có thể tự vận động hoặc phối hợp với đơn vị y xã hội tìm các nguồn tài trợ.
"Bác sĩ phải thực tâm, máy móc mang về phải thực sự phục vụ bệnh nhân, chứng minh bằng công việc, kết quả điều trị. Xã hội còn rất nhiều người tốt, khi nhà hảo tâm thấy rằng đã đặt niềm tin đúng chỗ, họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ" - bác sĩ Hiệp tin tưởng.