Mắc Covid-19 cần lưu ý điều gì để bệnh không trở nặng?
(Dân trí) - Mới đầu, người bệnh hay gặp các triệu chứng như sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Sau 7-10 ngày, nếu không có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển bệnh nhân sẽ hết sốt, dần trở lại bình thường.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị Covid-19 lần thứ 5, trong đó có một số điểm mới như đưa một số loại thuốc mới vào điều trị ca nặng, điều trị dự phòng, tiêu chuẩn xuất viện mới…
Diễn biến lâm sàng của bệnh Covid-19
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày. Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh hay gặp các triệu chứng như: sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi..
Trong giai đoạn toàn phát, hầu hết các bệnh nhân (khoảng hơn 80%) có chỉ bị sốt nhẹ, ho, mệt mỏi và không bị viêm phổi và tự hồi phục sau một tuần. Một số trường hợp có viêm kết mạc, dấu hiệu viêm đỏ các đầu ngón chân… Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện...
Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có ARDS bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Phân loại mức độ lâm sàng
- Không triệu chứng: Xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
- Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính.
- Mức độ vừa: Viêm phổi.
- Mức độ nặng: Viêm phổi nặng.
- Mức độ nguy kịch : ARDS, sốc…
TS Kính nhấn mạnh hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và hồi sinh cấp cứu là quan trọng.
Các biện pháp theo dõi và điều trị chung
- Nghỉ ngơi tại giường.
- Phòng bệnh cần được thông thoáng, có hệ thống airocide và lọc không khí hoặc đèn cực tím để khử trùng (nếu có).
- Vệ sinh mũi họng, giữ ấm.
- Điều trị triệu chứng: Hạ sốt giảm ho, uống đủ nước, cân bằng dịch, điện giải, dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.
- Tư vấn, hỗ trợ, điều trị tâm lý.
- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, phát hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn.
TS Kính lưu ý, tại các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ tối thiểu như: máy theo dõi độ bão hòa ôxy, hệ thống/bình cung cấp ôxy, thiết bị thở ôxy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ). Những trường hợp có mức độ bệnh từ vừa trở lên được sử dụng thuốc chống đông máu và corticoid dự phòng sớm.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nguyên tắc điều trị hiện nay vẫn là 4 tại chỗ, phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải.
Cụ thể, người bệnh không triệu chứng, mức độ nhẹ, điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, bệnh viện dã chiến; mức độ vừa đưa vào bệnh viện quận, huyện hoặc các khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh. Những trường hợp nặng, nguy kịch chuyển bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU. Các ca bệnh quá khả năng, chuyển tuyến lên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương.
Ông Khuê đề nghị các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình ôxy, máy thở..., hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
"Tất cả các khu vực điều trị đều cần ôxy, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn ôxy phòng trường hợp bệnh nhân nhẹ nhưng có bệnh nền, có chuyển biến xấu là thở oxy ngay. Đồng thời, cần theo dõi nồng độ ôxy trong máu và các triệu chứng để sẵn sàng cho thuốc điều trị tránh chuyển bệnh nhân sang bệnh nhân nặng", TS Khuê nhấn mạnh.
Thuốc mới trong điều trị Covid-19
TS Khuê cho biết, có thể xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng với bệnh nhân nặng khi Hội đồng chuyên môn cho phép. Bên cạnh đó, trong phác đồ điều trị mới, lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền.
"Đây là phương thuốc rất kinh điển những ngày nghèo khó trước kia. Một số nước cũng đưa vào điều trị cho thấy hiệu quả với cúm. Vì thế, những bệnh nhân ít triệu chứng, triệu chứng nhẹ nên dùng thuốc này cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng", TS Khuê nói.
Về vấn đề này, TS Kính cũng cho biết Hội đồng đề nghị Cục Y dược cổ truyền phối hợp Cục Khoa học và đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng và báo cáo kết quả với Hội đồng để xem xét bổ sung hướng dẫn.