1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Lột trần” nước giải khát thiên nhiên

Mùa hè cũng là “mùa gặt” của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Họ dốc sức tung sản phẩm, chiêu thức bán hàng, tiếp thị... với tốc độ và tần suất chóng mặt...

            

“Lột trần” nước giải khát thiên nhiên  - 1


Đội lốt... thiên nhiên

 

Hàng loạt sản phẩm rất bắt mắt, được quảng bá rầm rộ, hoàn toàn đánh trúng tâm lý người tiêu dùng với thành phần chủ yếu được chiết xuất từ thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ như: sâm, atiso, vải, dâu, trà xanh, táo, cam, la hán, cam thảo, kim ngân, cúc.... Nhưng chỉ cần chịu khó đọc thành phần, hàm lượng trên nhãn có thể “bắt vở” được “gan ruột” các loại nước giải khát này.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, loại nước tăng lực hương dâu Tây có nhân sâm nhưng trên nhãn hàng cho thấy hàm lượng chiết xuất từ nhân sâm rất nhỏ, chỉ khoảng 40mg/lít. Trong khi đó, hàm lượng cafein - chất có tác dụng làm “tỉnh táo” cho người uống lại ở mức 190 mg/l, cao gấp 4 lần so với hàm lượng của nhân sâm. Như vậy, chất được thể hiện trên nhãn hàng như là thành phần chính  giúp tăng cường sức khoẻ là nhân sâm thực chất chỉ có một hàm lượng rất khiêm tốn. 

 

Ở một trường hợp khác, với loại trà xanh vị chanh được quảng bá 100% từ thiên nhiên nhưng thực chất vị chua có trong loại trà này lại từ vitamin C mà ra và hương chanh chủ yếu được nhà sản xuất bổ sung vào. Như vậy, cái được gọi là 100% thiên nhiên ở loại nước giải khát này đang gây tranh cãi bởi rõ ràng, hương vị chính của loại nước này lại không hề... thiên nhiên.

 

Cá biệt, một số sản phẩm “đội lốt” dưới mỹ từ: nước ép trái cây với màu sắc bắt mắt, hấp dẫn trẻ nhỏ như: nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép... nhưng thực chất thành phần chính của chúng lại là: nước, đường cùng hương vải hoặc hương dâu, hương cam tổng hợp và thậm chí là những thành phần “đánh đố” người tiêu dùng như: chất làm dày, chất điều chỉnh độ chua, chất bảo quản, màu tổng hợp.

 

Với những sản phẩm được quảng cáo làm từ thiên nhiên với lượng vitamin C dồi dào, giúp thúc đẩy quá trình giải độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể như: nước cam ép chẳng hạn nhưng thực tế thành phần cũng chỉ có 20% nước cam pha từ cam ép cô đặc. Còn lại là nước, đường tinh luyện (13%), chất chống ôxy hóa, hương liệu tổng hợp và hiển nhiên là sự hiện diện của các chất ổn định sodium, carboxymethyl cellulose, guar gum...

 

Đáng chú ý nhất trên thị trường là dòng sản phẩm được quảng bá là thanh nhiệt làm từ thảo dược nhưng tổng hàm lượng của các thảo dược chứa trong đó chỉ quanh quẩn ở mức 13-15%, còn lại là nước, đường... Thậm chí có sản phẩm mà thành phần chủ yếu là hương liệu, sử dụng chất điều chỉnh độ chua nhưng vẫn quảng bá “100% từ thiên nhiên”!. Ngay cả nhà sản xuất cũng mập mờ, hoặc cố tình “lờ” việc công bố các hoạt chất được cho là quan trọng như chất chống lão hoá, chất thanh nhiệt, tăng sức đề kháng.

 

Một thứ nước “giả cầy”

Nếu tinh ý, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy, trong phần lớn nội dung quảng cáo sản phẩm nước giải khát, nhà sản xuất rất thích nhấn mạnh vào hai từ “thiên nhiên” và những tác động tích cực của nó tới sức khoẻ con người. Những gì bất lợi, không cần thiết trong việc công bố các chất cấu thành thì một là “nhẹm” đi, hai là nếu buộc phải công bố thì thể hiện kiểu mập mờ, người tiêu dùng hiểu thế nào cũng được.

 

Mấu chốt của vấn đề này ở chỗ, để có được những sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa, chi phí giá thành cho một sản phẩm sẽ tăng lên, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp giảm, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại kém đi. Cả hai tình huống này đều khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Vì vậy, họ chẳng dại gì đầu tư cho sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa. 

 

Thứ nước giải khát “giả cầy” đội lốt thiên nhiên là một nguồn lợi nhuận khổng lồ mà không một doanh nghiệp nào tiết lộ. Với công nghệ sản xuất đơn giản (pha và chế), bảo quản được vài năm, giả thành rẻ, nguồn lợi nhuận đem về quá lớn là lời giải vì sao trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nước giải khát thiên nhiên đến vậy.

 

Đừng coi đó là thần dược

 

Theo PGS.TS Nguyễn Công Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nước trái cây có hai loại: một loại được pha chế từ hương liệu trái cây, nước đường, axit, chất thơm... Với sản phẩm này mùi vị không khác trái cây thật nhưng thực chất toàn là hương liệu trái cây. Một loại khác là nước ép trái cây nguyên chất và một phần nước ép trái cây. Trên thị trường hiện nay phần lớn là nước ép trái cây được sản xuất theo phương pháp cho thêm nước và đường, hương liệu vào nước ép trái cây. Với các sản phẩm này, cơ bản thành phần cũng rất ổn, cung cấp được năng lượng, chất đạm, chất béo, hydrat cacbon... cho người sử dụng.

 

Như vậy, trên thực tế, việc sử dụng nước giải khát 100% từ thiên nhiên hay chỉ là loại “giả cầy” với thành phần chủ yếu là hương liệu cũng không đáng lo ngại tới sức khỏe. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, các loại nước ép trái cây không thể thay thế rau quả tự nhiên. Ít nhất là vì chúng không có chứa chất xơ rất quan trọng đối với cơ thể. Nhất là với nước ép đóng hộp phải trải qua quá trình chưng cất từ hoa quả tươi, một số chất dinh dưỡng sẽ mất đi, điển hình là vitamin và chất xơ. Hơn nữa, loại nước này còn chứa một lượng nhỏ chất bảo quản, hương liệu... vì vậy không thể tốt bằng nước ép nguyên chất tươi.

 

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng dù ưa chuộng bất cứ sản phẩm nước giải khát nào cũng đều có lý do của họ. Với người này đó là mùi vị phù hợp, với người khác đó là giá thành rẻ. Điều tối quan trọng là đánh giá đúng mức về chất lượng và tác dụng của sản phẩm. Không nên vì những lời quảng cáo, vì những đồn đoán mà tẩy chay dòng sản phẩm này hoặc đề cao quá mức tác dụng của sản phẩm khác như là thần dược. Nếu hiểu đúng bản chất của các sản phẩm nước giải khát có trên thị trường, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn thông minh hơn cho bản thân và gia đình.

 

Thị trường nước giải khát mùa hè 2011 vẫn chứng kiến sự lên ngôi của sản phẩm trà xanh. Có nhiều bằng chứng cho thấy, sản phẩm này làm giảm nguy cơ loãng xương, các bệnh tim mạch, ung thư cũng như trung hoà các gốc tự do có hại trong cơ thể. Trà xanh còn chứa fluo, làm chắc xương và răng. Nước trà bổ sung thêm bạc hà có tác dụng chống lại sự rối loạn trong hoạt động của dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, làm giảm sự đau cơ và căng cứng cơ.

 

Theo Ngọc Anh - Vinh Quang - Yên Lâm

Sức khỏe & An toàn thực phẩm