Hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm:
Thực phẩm ăn ngay nên giao Bộ Y tế
Ngày 1/7 tới, Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thi hành. Có nhiều điểm tiến bộ nhưng một vướng mắc mới nảy sinh là công tác quản lý thực phẩm ở khâu tiêu dùng, nếu không có quy định rõ sẽ gây khó khăn khi triển khai.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Đáng cho rằng Luật An toàn thực phẩm đã chia 3 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản 9 nhóm mặt hàng, Bộ Công Thương quản 5 nhóm mặt hàng, Bộ Y tế được giao quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đa vi chất. Chức năng quản lý bao gồm các khâu nuôi trồng, chế biến, giết mổ... nhưng không bao gồm khâu tiêu dùng. Ông Đáng cho rằng, tất cả phần thực phẩm thành phẩm, những thứ ăn ngay nên giao Bộ Y tế quản lý, phần còn lại chia 3 bộ chuyên ngành như Luật quy định, nếu không sẽ khó quản lý, “rách việc” hơn so với hiện hành.
“Rách việc” ở đây theo ông Đáng là khó khăn trong khâu đăng ký, cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, lưu hành sản phẩm. Nếu không quy định rõ, một doanh nghiệp kinh doanh doanh thịt, sữa, thực phẩm chức năng sẽ phải đi cả 3 bộ công bố tiêu chuẩn, đăng ký nội dung quảng cáo...
Hiện nay, tại các địa phương mới có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nếu thực hiện như trên, có thể phải có thêm Chi cục của ngành công thương và ngành nông nghiệp, vừa khiến bộ máy quản lý bị phình to, vừa làm doanh nghiệp rối.
“Khi chưa thành thực phẩm, Bộ sản xuất quản; thành thực phẩm Bộ Y tế quản. Đây là quy định trong điều 43 Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, ra được điều này, chúng tôi đã mời 2 chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đến làm việc trong 2 năm, đi khảo sát 21 nước. Thực hiện điều 43, việc quản lý thực phẩm ở Việt Nam dần dần đã tiếp cận quốc tế, nếu không, chúng sẽ trở lại như trước đây 10 năm”, ông Đáng chia sẻ.
Ông Đáng cũng cho rằng nên giao Bộ Y tế trách nhiệm chỉ định phòng xét nghiệm trọng tài khi có kết quả xét nghiệm gây tranh cãi; tiếp nhận công bố hợp chuẩn hơp quy của thực phẩm thành phẩm. “Đừng viết thêm những thứ không có trong luật, như yêu cầu thực phẩm chức năng phải đi đăng ký lưu hành, cái đó bỏ lâu rồi, tất cả thực phẩm thuộc nhóm 2 như thực phẩm chức năng là công bố hợp quy. Phải làm sao khi có luật thì kiểm soát thực phẩm tốt hơn, doanh nghiệp bớt phiền hà, tốn kém hơn và quản lý ngộ độc tốt hơn”, ông Đáng thẳng thắn góp ý.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Hội An toàn thực phẩm Việt Nam Phan Thị Kim đề xuất nên phân công cụ thể trách nhiệm từng bộ, ngành, không nên quy định chung chung, sẽ khó thực hiện. Bà Kim cũng góp ý nên giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm thành phẩm, giai đoạn sản xuất do 3 Bộ chuyên ngành quản lý. Trong quản lý chất lượng thực phẩm, không vì tiết kiệm cho doanh nghiệp mà bỏ công đoạn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Bà Kim lấy ví dụ món thịt, cá xông khói, giai đoạn sản xuất có sử dụng 320 chất, trong đó có những chất độc như benzen, fenol, forrmaldehyd..., rất cần kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn với sức khỏe hay không mới cho lưu hành.
Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm