1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm: Khởi tố bị can 10 cán bộ, nhân viên liên quan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can đối với 10 cán bộ, nhân viên y tế để điều tra các sai phạm trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

Bệnh nhân làm xét nghiệm lại ở BV Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: H.N
Bệnh nhân làm xét nghiệm lại ở BV Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: H.N
 
Chiều 19.8, nguồn tin riêng của Lao Động cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can đối với 10 cán bộ, nhân viên y tế để điều tra các sai phạm trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức về hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hiện danh tính các đối tượng này vẫn chưa được công khai. Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, ngày 7.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và quyết định khởi tố bị can chiều qua là diễn biến bình thường trong tiến trình tố tụng để điều tra, làm rõ và cá thể hoá trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên liên quan trong vụ án gây bức xúc dư luận trên.

Về vụ việc này, như Lao Động đã phản ánh: Bỏ qua các quy định của pháp luật; phớt lờ y đức, bất chấp hậu quả khôn lường cho bệnh nhân, một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được một số cán bộ, nhân viên khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức  “nhân bản” để dùng cho 2 - 5 bệnh nhân!

Họ nhẫn tâm tới mức, lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh rất khác nhau về bệnh án, lứa tuổi. Thí dụ, một kết quả xét  nghiệm huyết học vào hồi 9h03 ngày 19.2.2013 được dùng cho 4 bệnh nhân:

Nguyễn Thị Nguyên, 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa, 27 tuổi, chẩn đoán áp se cạnh hậu môn; Lý Thị Vân, 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu; và cháu Lương Kiều Trang, 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa. Mà từ tháng 7.2012 tới tháng 5.2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” như vậy. 

Hành vi gian dối của các cán bộ, nhân viên trên không chỉ gây hậu quả cho bệnh nhân, mà còn gây thiệt hại lớn cho cơ quan bảo hiểm y tế.

Trước khi vụ án được khởi tố, trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động, cả ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc, bà Nguyễn Thị Nhiên - Phó giám đốc - và bà Vương Kim Thành - Trưởng khoa Xét nghiệm - đều cho rằng không nắm chắc vụ việc, chỉ đến khi có đơn thư tố cáo mới biết!

Thậm chí, họ vẫn cho rằng, chỉ một số người quen làm phiếu khám sức khỏe cần lấy nhanh. Nhưng khi chúng tôi đưa ra những kết quả xét nghiệm của  những đứa trẻ được đánh đồng với người lớn, thì các vị lãnh đạo này... im lặng. Hoặc họ cho rằng, có thể người tố cáo đã sửa kết quả, nhưng chúng tôi đưa ra quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm để thấy sự ăn khớp thì họ vẫn còn nói: Cũng có thể bị sửa(?!)

Chúng tôi tìm bằng được quyển sổ gốc, kết quả cho thấy: Không có chuyện tẩy xóa, sửa đổi như các vị này lý giải và khẳng định kết quả xét nghiệm “nhân bản” là có thật.

Sự liều lĩnh không chỉ dừng ở đây. Một số kỹ thuật viên (KTV) phòng xét nghiệm không có chứng chỉ, bằng cấp gì về làm xét nghiệm hóa sinh máu, nước tiểu, HIV... những vẫn vô tư làm và ký cả vào vị trí chỉ có người có trách nhiệm mới được ký để trả kết quả cho bệnh nhân.

Thậm chí, ngay từ khâu lấy máu làm xét nghiệm, chủ trương “nhân bản” rất rõ khi các nhân viên ở đây lấy máu của các cháu bé từ  ngón tay vào lam kính để... vứt đi. Vì nói như KTV Hoàng Thị Nguyệt, lấy máu vào lam kính chỉ  dùng cho việc thử máu đông, máu chảy. 

Theo Duy Hưng - Phi Long
Lao Động