Kỹ thuật lần đầu báo cáo ở Việt Nam, cơ hội mới cho bệnh nhân tim mạch nặng
(Dân trí) - Một kỹ thuật điều trị tim mạch vừa được báo cáo lần đầu tiên ở Việt Nam, giúp người bệnh không phải trải qua một cuộc phẫu thuật xâm lấn nặng nề.
Tại Hội nghị khoa học "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2024" vừa diễn ra ở TPHCM, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã mô tả kỹ thuật thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện ban đầu.
Đây cũng là báo cáo đầu tiên về kỹ thuật trên ở Việt Nam, giúp các đại biểu cập nhật kiến thức, từ đó có thêm lựa chọn điều trị cho bệnh nhân tim mạch cần thay van động mạch chủ.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn cho biết, thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ là phẫu thuật ít xâm lấn, dùng để điều trị bệnh lý tại van động mạch chủ, dùng van nhân tạo (sinh học hoặc cơ học) thay thế cho van tim không thực hiện được chức năng thông thường.
Các bệnh lý thường gặp nhất là hẹp hay hở van động mạch chủ. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do thoái hóa tuổi già, van động mạch chủ bẩm sinh có hai mảnh, hoặc trong bệnh cảnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ở van động mạch chủ. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phẫu thuật nội soi toàn bộ thay van động mạch chủ triển khai từ tháng 3, với tỷ lệ thành công là 100%.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Trần Việt Chương, khoa phẫu thuật tim mạch người lớn chia sẻ, kỹ thuật trên được thực hiện chỉ với đường rạch da 2,5-3cm, giúp giảm đau sau mổ rõ rệt, tăng tính thẩm mỹ. Phẫu thuật này cho phép bảo tồn toàn bộ xương ức và các mạch máu nuôi liên quan, cũng như giữ tính toàn vẹn của lồng ngực, giảm thiểu mức độ tổn thương mô do đường mổ nhỏ.
Ngoài ra, kỹ thuật này sử dụng dụng cụ mảnh và thuôn dài để thay van, giúp nhìn rõ cấu trúc giải phẫu van động mạch chủ, từ đó thực hiện thao tác chính xác. Qua thống kê, bệnh nhân tim mạch khi điều trị bằng cách trên giúp giảm lượng máu truyền trong mổ, giảm thời gian nằm viện cũng như chi phí điều trị.
Về tỷ lệ tử vong, tỷ lệ đặt máy tạo nhịp và tỷ lệ chảy máu, phải mổ lại, kỹ thuật này tương đương với thay van động mạch chủ bằng cách mở toàn bộ xương ức. So với phương pháp thay van qua da, chi phí điều trị của kỹ thuật mới hợp lý với đa số người bệnh, không quá tốn kém.
Trong quá trình thực hiện, người bệnh được thiết lập máy tuần hoàn ngoài cơ thể qua da, dưới hướng dẫn siêu âm để giảm thiểu mức độ xâm lấn.
Như trường hợp của bệnh nhân P.M.Đ. (62 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận), nhập viện vào tháng 4 vì khó thở khi gắng sức. Bệnh nhân cho biết triệu chứng trên đã có khoảng 3 tháng, gây khó thở ngay cả khi thực hiện những công việc bình thường. Sau khi thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị hở van động mạch chủ nặng gây giãn to tim trái.
Bệnh nhân được chỉ định thay van động mạch chủ nội soi hoàn toàn. Sau mổ, người bệnh nằm hồi sức 2 ngày, được tập vật lý trị liệu hô hấp cùng các chăm sóc tích cực. Bệnh nhân xuất viện sau 2 ngày, hết đau vết mổ. Tái khám 1 tuần sau đó, bệnh nhân không còn khó thở, có thể thực hiện được các công việc nhẹ nhàng, hết đau vết mổ.
Theo bác sĩ Chương, thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ là phương pháp điều trị khả thi ở Việt Nam, không đòi hỏi dụng cụ đặc biệt mới và chi phí hợp lý, giúp người bệnh có thêm một lựa chọn điều trị xâm lấn tối thiểu mà vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Hội nghị khoa học "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024" do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức bao gồm 240 bài báo cáo của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch - chuyển hóa của Việt Nam và quốc tế.
Hội nghị thu hút hơn 1.500 đại biểu đến tham dự trực tiếp, cùng chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật những phương pháp, kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực nội tim mạch, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch người lớn và phẫu thuật tim mạch trẻ em.
Đặc biệt, nhiều kỹ thuật mới như thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến đã được các chuyên gia thực hiện, truyền hình trực tiếp đến Hội nghị để các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm. Hội nghị còn có các phiên thực hành siêu âm đánh dấu mô cơ tim.
Bên cạnh phương pháp điều trị, các bài báo cáo liên quan đến gen di truyền là một điểm mới, thể hiện xu hướng tác động vào các hệ gen để chẩn đoán, dự phòng bệnh tim mạch tốt hơn. Ngoài ra, các chương trình quản lý người bệnh về tới cộng đồng, đặc biệt là người bệnh suy tim có ý nghĩa quan trọng, nhằm chăm sóc toàn diện, duy trì hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa các biến cố nguy hiểm.