Cảnh giác căn bệnh dẫn đến biến chứng nặng nề do ít vận động, nằm lâu

Biên Thùy

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, căn bệnh nghiêm trọng này thường gặp ở người cao tuổi ít vận động, nằm lâu, liệt do tai biến, gãy xương... và có thể dẫn đến biến chứng viêm tủy xương, nhiễm trùng máu, suy kiệt.

Bà V.T.L. (72 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị khối áp xe lớn ở mông với kích thước lớn, gây đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân cho biết, hơn một năm nay đã xuất hiện vết loét vùng cùng cụt nhỏ, đã đi rất nhiều cơ sở y tế thăm khám và điều trị nhưng không thuyên giảm mà tình trạng loét ngày càng lan rộng và sâu hơn.

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình một bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có vết loét vùng mông kích thước 5-8 cm, gần lộ xương cùng, đáy nhiều giả mạc. Ngoài ra, bệnh nhân còn kèm theo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường type 2.

Cảnh giác căn bệnh dẫn đến biến chứng nặng nề do ít vận động, nằm lâu - 1

Bà L. trong thời gian điều trị tại bệnh viện (Ảnh: BV).

Vì có nhiều bệnh nền, cụ bà cần điều trị ổn định về nội khoa, sau đó mới chuyển sang khoa Chấn thương chỉnh hình để tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được thay vết thương hằng ngày. Dưới sự chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên y tế, cụ L. đã hồi phục và được xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Tuấn Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, loét vùng cùng cụt là vấn đề nghiêm trọng thường gặp ở người cao tuổi ít vận động, nằm lâu, hay ở người bệnh liệt do tai biến, gãy xương, chấn thương cần bất động hoặc hạn chế cử động… khiến áp lực kéo lên vùng cùng cụt, gây tỳ đè và làm hỏng tổ chức da.

Nếu để nặng, loét tì đè vùng cùng cụt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm xương tủy xương, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng hay suy kiệt...

Cảnh giác căn bệnh dẫn đến biến chứng nặng nề do ít vận động, nằm lâu - 2

Phẫu thuật cắt lọc, ghép da là các phương pháp điều trị loét tì đè (Ảnh: BV).

Theo Bệnh viện 1A (TPHCM), dù có nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu tạo ra thuốc, các dụng cụ hỗ trợ để phòng ngừa và điều trị loét tỳ đè, nhưng đến nay chưa có biện pháp nào có hiệu quả chắc chắn.

Do đó, nhiều phẫu thuật viên tạo hình đã nghiên cứu sâu các biện pháp nhằm mục đích che phủ ổ loét, như xoay vạt da, xoay vạt da cơ mông lớn có cuống mạch, ghép da rời… Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và trường hợp cụ thể.

Để giảm nguy cơ loét vùng cùng cụt, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thay đổi tư thế thường xuyên, sử dụng gối và đệm phù hợp, duy trì vệ sinh da sạch sẽ và ăn uống đủ dinh dưỡng. Nếu đã xuất hiện vết loét, cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn, điều trị và chăm sóc vết loét một cách đúng nhất.