1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Van tim bị vôi hóa - bệnh lý nguy hiểm tiến triển âm thầm

Nam Phương

(Dân trí) - Vào viện với biểu hiện đau thắt ngực, hồi hộp, bệnh nhân nam 68 tuổi được chỉ định thay van động mạch chủ. Lý do van tim bị vôi hóa nặng do lắng đọng các mảng canxi, mô mỡ…, gây hẹp động mạch chủ.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ, vào viện với biểu hiện đau thắt ngực, hồi hộp.

Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nặng, buồng tim giãn, thành tim dày, điều đó cho thấy chức năng tim đã bị ảnh hưởng. Van tim bị vôi hóa nặng. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử bị ngất, tăng huyết áp.

Vôi hóa van tim là tình trạng các mảng canxi, mô mỡ… bám tại van tim làm các van tim cứng và hẹp lại dẫn đến giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể.

Những mảng vôi hóa này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc hẹp mạch máu. Đặc biệt nếu tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não sẽ gây đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. 

Van tim bị vôi hóa - bệnh lý nguy hiểm tiến triển âm thầm - 1

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: N.P).

"Van động mạch chủ bị lắng đọng mỡ, canxi…, bị vôi hóa dẫn đến hẹp van động mạch chủ, gây cản trở dòng máu đi từ tim ra ngoại vi nuôi cơ thể.

Vì tim luôn phải gắng sức làm việc dẫn đến dày thành cơ tim, suy tim. Với ngoại vi, tình trạng này dẫn đến thiếu máu, có bệnh nhân ngất hoặc có trường hợp đột tử do thiếu máu nuôi dưỡng mạch vành", PGS Hiền phân tích.

Các van tim động mạch chủ, van tim 2 lá thường hay bị vôi hóa hơn so với các van tim còn lại. Lão hóa là nguyên nhân gây vôi hóa van tim thường gặp nhất.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như lối sống, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạch (thường xuyên hút thuốc lá, uống bia rượu, ăn nhiều chất béo… có thể làm gia tăng tình trạng xơ vữa khiến mỡ và canxi tích tụ tại van tim), bệnh lý nền (thận mạn tính, tiểu đường...), viêm nhiễm, xạ trị vùng ngực, dị tật bẩm sinh…

Khi vôi hóa van tim ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu thường mờ nhạt, nên rất khó phát hiện, bệnh diễn biến âm thầm. Chỉ đến khi đi khám định kỳ hoặc khi bệnh nặng hơn, các triệu chứng mới xuất hiện rầm rộ như đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt...

Bệnh nhân được phẫu thuật thay van động mạch chủ ít xâm lấn, van được sử dụng là van sinh học. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ. 

Van tim bị vôi hóa - bệnh lý nguy hiểm tiến triển âm thầm - 2

Chương trình phẫu thuật ít xâm lấn điều trị các bệnh lý van tim có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore… và một số bệnh viện trong nước (Ảnh: N.P).

Đây là một trong 6 bệnh nhân được phẫu thuật trong chương trình Phẫu thuật ít xâm lấn điều trị các bệnh lý van tim diễn ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong 2 ngày (10-11/5). Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore… và một số bệnh viện trong nước.

"Đây là dịp các bác sĩ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phẫu thuật tim ít xâm lấn để kỹ thuật này ngày càng phát triển, từ đó mang lại giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân và cộng đồng", PGS Hiền nhấn mạnh.

Phẫu thuật tim ít xâm lấn giúp bệnh nhân hồi phục nhanh

Theo PGS Hiền, phương pháp mổ tim ít xâm lấn là xu hướng phát triển của y khoa trên thế giới cũng như tại nước ta. Trước đây, trong phương pháp mổ mở, mổ kinh điển, bác sĩ phải xẻ dọc xương ức với một đường mổ lớn, đôi khi để lại hậu quả nặng nề như biến dạng lồng ngực, viêm xương ức dẫn đến tử vong.

Van tim bị vôi hóa - bệnh lý nguy hiểm tiến triển âm thầm - 3

Ca phẫu thuật ít xâm lấn thay van tim động mạch chủ do PGS Hiền thực hiện được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ (Ảnh: B.V).

Ngày nay rất nhiều bệnh tim có thể phẫu thuật ít xâm lấn nhờ nội soi. Các bác sĩ có thể phẫu thuật thay van tim 2 lá, van động mạch chủ, sửa các van tim, đốt rung nhĩ. Rất nhiều bệnh lý tim bẩm sinh cũng có thể mổ nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, không cần chẻ xương ức của bệnh nhân mà đi qua khoang liên sườn. 

"Kỹ thuật này có rất nhiều ưu điểm như đường mổ nhỏ, đảm bảo thẩm mỹ, giảm đau đớn, giảm biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt tránh được tổn thương xương ức, nhất là với người già. Ở người già, xương ức bị mất chất vôi, rất mềm, khi bị tổn thương sẽ khó liền, dễ bị viêm, nhiễm trùng, phải điều trị dài ngày, thậm chí tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh. 

Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, sau một tuần có thể xuất viện. Với phương pháp mổ cũ, bệnh nhân cần nằm viện 2-3 tuần", PGS Hiền nói.

Phẫu thuật tim đã có lịch sử 70 năm, nhưng phẫu thuật tim ít xâm lấn mới phát triển hơn 20 năm. Tại Việt Nam và Bệnh viện Tim Hà Nội, phẫu thuật tim ít xâm lấn bắt đầu phát triển khoảng 5-6 năm trở lại đây và có nhiều thành tựu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm