Kỳ diệu ca "sinh" con khỏe mạnh khi mẹ hôn mê 3 tháng
(Dân trí) - Mẹ bé Vũ Đăng đã bị hôn mê, lên cơn co giật phải điều trị nhiều loại thuốc khi mang thai em tháng thứ 5 nên khi chào đời, bé bị ức chế trung tâm hô hấp, không thể thở được…
Chờ cấp cứu ngay khi mổ lấy thai
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, đêm 11/6, bệnh viện tiếp nhận thai phụ Hà Thị Ngân (mang bầu 32 tuần, bị co giật, hôn mê) và bệnh viện đã yêu cầu hội chẩn toàn viện ngay trong đêm về ca bệnh đặc biệt này.
“Ở khía cạnh nhi khoa, chúng tôi đã đưa ra ý kiến, phải đình chỉ thai, mổ lấy em bé ra, vì để càng lâu, việc chữa trị cho em bé càng khó. Chắc chắn em bé chịu sự tác động của các loại thuốc điều trị co giật, động kinh mà bác sĩ sử dụng để cố gắng kéo dài sự sống của sản phụ, chờ đợi thai nhi cứng cáp hơn rồi mổ lấy thai. Khi em bé nằm trong bụng mẹ thì bé chưa thở nên ức chế hô hấp không ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi sinh ra, trung tâm hô hấp phải phát động để thở ngay, và ở những trẻ chịu tác động của các loại thuốc chống co giật sẽ dễ bị tác động đến trung tâm hô hấp”, TS Dũng nói.
Đúng như tiên lượng, ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, em bé đã không tự thở, suy hô hấp, ngạt nặng. Nhưng vì được hội chẩn từ trước, kíp cấp cứu sơ sinh đã có mặt từ khi ca mổ bắt đầu, sẵn sàng đầy đủ các bộ dụng cụ cấp cứu hô hấp, em bé vừa được lấy khỏi bụng mẹ đã được tiến hành hồi sức, bóp bóng, bóp tim và đặt ống nội khí quản. Vừa cấp cứu, em bé vừa được chuyển thẳng xuống khoa Nhi và được thở máy.
“Đây là một cái hồi sinh tim phổi ở trẻ sơ sinh rất đồng bộ mới có thể làm được, và phải tiến hành rất nhanh. Vì nếu cấp cứu ban đầu tốt, não em bé mới bảo vệ được. Còn trong 5 phút đầu cấp cứu không tốt, dù có cứu sống cũng bị di chứng nặng. Cứu được em bé mà bé bị di chứng não, đặt đâu nằm đấy thì rất thương tâm”, TS Dũng nói.
Cố “cứu” não bé
Sau 4 tiếng được chỉnh máy thở mở mức thấp nhất có thể được, áp lực oxy tương đối ổn. Thế nhưng tình trạng không ổn định, cứ điều chỉnh máy thở là oxy lại tăng vọt lên. Bác sĩ điều trị cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên mà bác sĩ phải chỉ định chỉnh máy thở hàng và phải làm khí máu ngày 2 lần liên tục để kiểm soát tình trạng oxy, nhằm bảo vệ bộ não non nớt của bé.
Cái khó thứ 2 của ca bệnh này, đó là ngay từ khi lúc sinh, đường huyết của trẻ đã âm tính, hàm lượng rất thấp đến nỗi máy không đo được. “Nồng độ đường huyết thấp gây nguy cơ ảnh hưởng đến não rất nhiều. Đáng nói, dù đã được truyền đường, cho ăn nhưng lượng đường vẫn không ổn định. Bị tình trạng này là do em bé chịu rối loạn chuyển hóa do sử dụng nhiều loại thuốc để cứu mẹ”, TS Dũng nói.
Hồng Hải