Không uống bia rượu vì sao vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngoài lượng cồn nội sinh, trong các hoạt động hàng ngày chúng ta có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể mà không hề hay biết.

Cồn được sinh ra trong cơ thể hàng ngày dù không uống bia rượu

Theo TS. Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cồn - hay nói chính xác hơn là ethanol - là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống bia rượu.

Việc này được thực hiện chủ yếu do hệ vi sinh đường ruột, với sự tham gia của nhiều loại vi sinh vật, thường có vai trò quan trọng của các loại nấm men.

Không uống bia rượu vì sao vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn? - 1

Ethanol là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống bia rượu.

Ethanol là sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ acetaldehyde, mà acetaldehyde có nguồn gốc từ đường glucose, là chất chuyển hóa quan trọng nhất giúp tất cả các sinh vật tạo ra năng lượng hoạt động thông qua hô hấp. Đặc biệt, khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.

"Việc cơ thể sinh ra ethanol tuần hoàn trong máu là rất bình thường, một ngày cơ thể có thể sinh ra 0-20 g ethanol tùy thuộc nhiều yếu tố như nguồn dinh dưỡng (thực phẩm), khả năng hấp thụ, tốc độ chuyển hóa, tốc độ phân hủy, đào thải ethanol và tình trạng bệnh lý", TS Minh cho hay.

"Với những người tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu carb, enzyme phân hủy ethanol bị khiếm khuyết thì rất dễ tăng nồng độ cồn trong máu sau khi ăn, và ngược lại, những người tiêu thụ thực phẩm nghèo carb, enzyme phân hủy ethanol hoạt động tốt thì có thể khó phát hiện ra nồng độ cồn trong máu nếu không tiêu thụ rượu bia", TS Minh thông tin thêm.

Nồng độ cồn nội sinh liệu có thể tương đương việc uống bia, rượu?

Về vấn đề này, theo TS Minh, đã có nhiều nghiên cứu xác định mức trung bình ethanol trong máu của một người không sử dụng đồ uống có cồn. Mức nồng độ này có phần khác nhau tùy thuộc nghiên cứu. Có thể thấp ở mức 0,04 mg/100 ml hoặc tới mức cao hơn là 1,2 - 6,7 mg/100 ml.

Không uống bia rượu vì sao vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn? - 2

"Mặc dù vẫn có thể tồn tại trong máu, nhưng những mức này thấp hơn nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu bia (trên 30 mg/100 ml) hay ngưỡng quy định với người điều khiển giao thông (50 mg/100 ml)", TS Minh phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, thói quen của người Việt Nam là thường ăn sáng với thực phẩm giàu carb, nên hoàn toàn có thể ghi nhận nồng độ ethanol trong máu vào buổi sáng ở mức thấp.

"Đặc biệt, có những trường hợp cơ thể sinh ra ethanol liên quan tới bệnh lý do nấm men phát triển quá mức trong đường ruột làm thực phẩm chuyển hóa mạnh thành ethanol trong quá trình tiêu hóa và dẫn tới làm ngộ độc cơ thể, mặc dù không uống bia rượu", TS Minh cho hay.

Chuyên gia này dẫn chứng, vào năm 2011, một người đàn ông trung niên ở North Carolina (Mỹ) bị bắt vì say rượu khi lái xe. Tuy nhiên, đến năm 2015, bác sĩ mới khẳng định người này mắc hội chứng ABS (auto-brewery syndrome, hội chứng tự sản sinh rượu) làm tăng đột biến ethanol nội sinh và gây ra các triệu chứng giống hệt người say rượu.

Hiện tượng này có khả năng được kích hoạt sau thời gian điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh, làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh. ABS mặc dù là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp, nhưng các nghiên cứu cho thấy là các trạng thái trung gian (mức ethanol nội sinh chưa đến ngưỡng gây độc cho cơ thể, chưa thành tình trạng bệnh lý) có thể vẫn xảy ra khá thường xuyên mà trước đây chưa được đánh giá đúng mức.

"Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng ethanol có thể sinh ra một lượng nhỏ do chính các mô cơ quan trong cơ thể của chúng ta. Enzyme có vai trò phân hủy ethanol là ethanol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase cũng đồng thời là các enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp ethanol, và sự có mặt của các enzyme này ngay trong cả các tế bào thần kinh của người cho thấy ethanol có cả nguồn gốc nội sinh", TS Minh phân tích.

Vô tình đưa cồn vào cơ thể dù không uống rượu bia

Theo TS Minh, nhiều thực phẩm chứa tinh bột, đường đều có thể dễ dàng chuyển hóa thành ethanol sau khi tiêu thụ, hoặc bản thân thực phẩm đã lên men một phần, hình thành ethanol trước khi đưa vào cơ thể.

Các loại hoa quả có hàm lượng đường cao, khi chín quá đã có một lượng nhỏ ethanol, ví dụ như các loại nước quả ép có thể chứa tới 1% là ethanol. Ngoài ra, ethanol còn là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, dùng làm dung môi để tách chiết các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, nên trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp ethanol.

Không uống bia rượu vì sao vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn? - 3

Các loại nước quả ép có thể chứa tới 1% là ethanol.

TS Minh phân tích: "Ngoài đường hấp thụ qua tiêu hóa thì ethanol còn có thể hấp thụ vào cơ thể qua da và đường hô hấp. Một số loại thuốc bôi ngoài da và mỹ phẩm có chứa ethanol và một phần rất nhỏ ethanol có thể ngấm qua da, đi vào máu sau trong quá trình sử dụng".

Cũng theo chuyên gia này, ethanol có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp thụ động như việc tham gia vào các buổi tiệc có sử dụng nhiều rượu bia hay thường xuyên hít phải mùi xăng có pha ethanol.

"Tuy nhiên, tất cả các con đường này cũng chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ ethanol trong máu, hoặc thậm chí không phát hiện ra được và không gây tác hại gì. Với những mức nồng độ rất thấp như trong trường hợp mới được nhắc tới thì thậm chí yếu tố sai số của thiết bị đo nồng độ cồn cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong con số chúng ta ghi nhận được", TS Minh nhấn mạnh.