Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tái phát:

Khó xác định nguyên nhân gây bệnh

(Dân trí) - Theo các bác sĩ điều trị tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, qua điều tra dịch tễ các bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm được điều trị ở Viện cho thấy rất khó có thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

Riêng tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia từ ngày 30/12/2007 đến nay đã tiếp nhận 6 bệnh nhân nhập viện tiêu chảy cấp nguy hiểm có mẫu xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Đa số bệnh nhân này đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội - điểm nóng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cách đây chưa lâu.

Đặc biệt, trong số bệnh nhân này có 2 phụ nữ đang mang thai. Hiện 5 bệnh nhân đã được ra viện, chỉ còn bệnh nhân V.K.H, 35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, đang điều trị. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng trụy mạch, tiêu chảy nhiều lần, mất nước. Trước đó, bệnh nhân có ăn mắm tôm và nhiều thứ khác như bún, phở, các loại bánh… ở chợ gần nhà.

Khác với đợt dịch trước, 90% bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đều ăn mắm tôm, lần này, các bác sỹ chưa thể đặt ra nghi ngờ với loại thực phẩm nào. Vì qua điều tra dịch tễ cho thấy tất cả 6 bệnh nhân trước khi phát bệnh từng ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau như hải sản, nộm, thịt chó - mắm tôm... Do đó, theo các bác sỹ điều trị, việc xác định nguyên nhân gây ra đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lần này là vô cùng khó.

Trong đợt dịch tả trước, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, chắc chắn nguồn lây khuẩn phẩy tả là từ thực phẩm, vì đa số bệnh được được phát hiện cùng một thời điểm, cùng một nguồn thực phẩm giống nhau ở nhiều địa phương khác nhau. Nhưng phẩy khuẩn tả từ đâu nhiễm vào thực phẩm là việc các chuyên gia sẽ phải tìm hiểu. Nếu tìm được đường lây truyền của vi khuẩn này, nếu dịch quay trở lại ngành y tế sẽ có các biện pháp dập, khống chế dịch hiệu quả hơn.

Hiện việc điều tra đường lây truyền của phẩy khuẩn tả, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang phối hợp cùng Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tiến hành. Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ sớm tìm ra đường lây truyền của vi khuẩn này.

Hiện tại, khi chưa thể xác định nguồn thực phẩm nào là thủ phạm gây bệnh, chưa xác định đường lây của vi khuẩn, các nhà chuyên môn khuyên mọi người cách phòng bệnh đơn giản nhất vẫn là người dân thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch để bảo vệ chính mình.

Ngọc Linh