Khi nào cần sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Tú Anh

(Dân trí) - Tất cả những phụ nữ từng có quan hệ tình dục nên được sàng lọc ung thư CTC sớm, nhất là 30 tuổi trở lên.

Tất cả những phụ nữ từng có quan hệ tình dục nên được sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, nhất là 30 tuổi trở lên.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, tất cả mọi phụ nữ đã có quan hệ tình dục cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Đây là một xét nghiệm đơn giản, bác sĩ lấy dịch âm đạo trong lần đi khám phụ khoa để tiến hành xét nghiệm, với chi phí rẻ, dễ thực hiện.

Bạn cũng có thể xét nghiệm HPV, với độ nhạy 95%. Đây là xét nghiệm được chỉ định cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên, đã có quan hệ tình dục. Xét nghiệm HPV cho biết bạn có nhiễm HPV 16 và 18 cùng 12 loại HPV nguy cơ cao hay không trước khi phát hiện có biến đổi tế bào cổ tử cung.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, xét nghiệm HPV dương tính không có nghĩa là bạn bị ung thư cổ tử cung. Đừng lo lắng, hãy để bác sĩ tư vấn cho bạn kế hoạch theo dõi định kỳ và tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Các chuyên gia lưu ý, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi. Vì thế, việc tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm, tăng chất lượng điều trị, giảm nguy cơ tử vong.

Chị em cần cảnh giác khi có một trong số các dấu hiệu dưới đây:

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Đau tức vùng bụng dưới.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.