Các bước tầm soát ung thư cổ tử cung
(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, với khoảng 14 ca mắc mới mỗi ngày. Trong khi đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể tầm soát, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung thường gặp nhất ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Khi người bệnh nhiễm các type Human Papilloma Virus (HPV) có nguy cơ cao, tồn tại dai dẳng đã được khẳng định là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung.
Có nhiều yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV (virus u nhú ở người): Sinh nhiều lần, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc lá… Ung thư cổ tử cung có liên quan với suy giảm miễn dịch, tần suất gia tăng ở những bệnh nhân ghép tạng và những người nhiễm HIV/AIDS.
Căn bệnh này hoàn toàn có thể được tầm soát, phát hiện sớm. Theo đó, khi đăng ký khám tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, bệnh nhân thường được thực hiện những bước sau:
- Khám phụ khoa
- Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung
- Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV: Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.
- Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…
- Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Cần lưu ý khi đi khám tầm soát phải sạch kinh nguyệt. Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo. Không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 1 -2 ngày trước khi thử Pap.
Kết quả thử Pap ung thư cổ tử cung rất chính xác. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.