Ai nên tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung?

Tú Anh

(Dân trí) - Tôi 28 tuổi, đã lập gia đình, có thể tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung không, thưa bác sĩ? (Minh Lê, Phú Xuyên, Hà Đông).

GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trả lời:

Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung do virus Human Papiloma Virus (virus HPV) gây ra. Loại vắc xin này ở dạng tiêm, đã được sử dụng ở nhiều nước với hiệu quả khoảng 70%.

Vắc xin này có khả năng chống lại ung thư cổ tử cung tới 98%. Vắc xin HPV thường được tiêm cho trẻ em từ 9 -11 tuổi (một số nước trên thế giới thì tiêm cho nữ giới ở lứa tuổi từ 9 -26 tuổi).  

Tiêm vắc xin HPV từ lứa tuổi vị thành niên, từ khi các em chưa có quan hệ tình dục sẽ rất có hiệu quả phòng bệnh sau này. Vì không phải cứ đến tuổi trưởng thành là có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, mà việc tiêm vắc xin có giá trị phòng ngừa hàng mấy chục năm sau.

Tuy nhiên, loại vắc xin này hầu như không có tác dụng phụ nên cũng được dùng khá phổ biến ở phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi. Thậm chí khi mang thai vẫn có thể tiêm loại vắc xin này mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, giá của loại vắc xin này khá đắt, trung bình từ 100USD/1 mũi tiêm (liều tiêm đầy đủ gồm 3 mũi).

Trước mắt, để phát hiện sớm và phòng căn bệnh nguy hiểm này, chị em phụ nữ ngoài việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sinh hoạt tình dục lành mạnh, thì cần tạo thói quen đi khám phụ khoa định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa bởi ngoài virus HPV vẫn còn rất nhiều tác nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung. Căn bệnh này hoàn toàn có thể phát hiện sớm nhờ tầm soát định kỳ.

Theo đó, khi đi khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ sẽ lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.