“Khẩn cấp” thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế
(Dân trí) - Ngày 22/4, hội nghị trực tuyến về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với 700 đầu cầu đã diễn ra, với mục tiêu thay đổi toàn diện hình ảnh người thầy thuốc trong việc chăm sóc, cung cấp dịch vụ cho người bệnh.
Cần đổi mới từ tư duy!
Cùng quan điểm này, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ, thay đổi trang phục chỉ là sự thay đổi một phần. Quan trọng nhất là sự thay đổi về tư duy của cán bộ, nhân viên y tế.
“Nhân viên y tế phải chuyển từ việc chữa trị cho người bệnh như một sự ban ơn sang cung cấp dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh là số 1. Để muốn từ cho, ban ơn chuyển sang là đơn vị cung cấp thì phải có sự thay đổi tư duy rõ ràng, thay đổi từ việc người bệnh bước chân vào bệnh viện được đón tiếp như thế nào, thái độ, giọng nói, cử chỉ với người bệnh ra sao. Từ tác phong của nhân viên y tế như thế nào.
Trong môi trường bệnh viện cần sự tĩnh lặng nhưng nếu vẫn nghe tiếng loẹt quẹt của đôi dép lê, đôi guốc mộc của nhân viên y tế, hay trang phục ố bẩn trên người mặc sẽ thấy đó là một hình ảnh chưa đẹp, chưa đúng với hình ảnh chiếc áo blu, với hình ảnh người thầy”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ.
Bệnh viện sẽ phải kí cam kết thực hiện
Theo bà Tiến, đây không phải là một phong trào kêu gọi nhân viên y tế mà là một chính sách buộc phải thực thi. Vì thế, các bệnh viện sẽ phải ký cam kết thực hiện nội dung đổi mới phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra thực tế tại BV và tiếp tục giám sát hoạt động này thông qua đường dây nóng.
Thông qua đường dây nóng với hơn 20% cuộc gọi phản ánh về thái độ ứng xử của nhân viên y tế, Bộ Y tế đã nhắc nhở hơn 2.000 cán bộ y tế, trong đó xử lý hơn 150 cán bộ y tế với các hình thức kỷ luật khác nhau từ buộc thôi việc đến cảnh cáo, 2 cán bộ y tế buộc phải nghỉ việc ra khỏi ngành. Sự nghiêm khắc này nhằm quyết tâm thực hiện sự đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phụ vụ người bệnh của nhân viên y tế.
Cũng theo bà Tiến, về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ kỹ thuật dần dần sẽ tăng cao chất lượng, còn thái độ, nhân cách nếu không giáo dục từ các trường đại học, đặc biệt điều dưỡng thì sẽ không có được. Đến thời điểm này, khi đời sống được nâng cao, nghề y đụng chạm nhất đến vốn quý con người là sức khỏe, nếu chúng ta không đổi mới điều này chúng ta là người chậm hiểu.
“Một số cán bộ nói, bao giờ lương chúng tôi bằng lương y tế tư nhân, thì vấn đề thái độ ko phải bàn nhiều. Thế thì chúng ta quên mất một điều khi bước vào ngành y với mục tiêu đầu tiên là cứu người, vì người bệnh”, bà Tiến nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, trong thực tế khám chữa bệnh, do áp lực công việc quá lớn, số lượng bệnh nhân quá đông, quan tâm số một của bác sĩ là cứu chữa cho người bệnh. Trong khi đó tâm lý của người nhà bao giờ cũng mong muốn được giải thích rất tận tình, cặn kẽ, luôn có nhân viên y tế sát cạnh người nhà. Tuy nhiên, trong chuyên môn, người thầy thuốc phải đáp ứng theo bệnh tình, theo các diễn biến của bệnh, đôi khi không thể theo được yêu cầu này khiến đôi khi người nhà hiểu lầm dẫn đến một số trường hợp người nhà căng thẳng vượt mức kiểm soát.
“Chúng tôi luôn quyết tâm để đem lại chất lượng tốt nhất trong điều kiện có thể để phục vụ người bệnh. Với nhân viên y tế, cứu sống một người bệnh là hạnh phúc vô bờ, là thành công lớn nhất chúng tôi. Đầu tiên bao giờ họ cũng phải tập trung cứu chữa người bệnh rồi mới giải thích người nhà. Vì thế, về vấn đề này mong giữa người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế cùng chia sẻ về tinh thần, thái độ. Cán bộ y tế đang nỗ lực hơn, mong người bệnh hiểu thêm cán bộ y tế. Cũng mong, tất cả cùng phối hợp với chúng tôi để giữa y bác sĩ, điều dưỡng cùng người nhà sẽ rất gắn bó, cùng chia sẻ, hỗ trợ để giúp người bệnh được cứu sống, hồi phục một cách tốt nhất.
Bà Tiến cũng cho rằng, về phía ngành y tế đã và đang đổi mới, nhưng người nhà bệnh nhân cũng cần có những ứng xử văn hóa phù hợp mới có thể mang lại lợi ích cuối cùng là chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến về thay đổi trang phục của nhân viên y tế. Theo đó, bác sĩ sẽ giữ nguyên trang phục màu trắng, điều dưỡng màu xanh nhạt, nữ hộ sinh màu hồng hoặc xanh giống điều dưỡng, phòng mổ, khối hành chính, nhân viên đón tiếp…có trang phục riêng. Sự thay đổi này được sự đồng thuận của nhiều bệnh viện, bởi xu hướng thế giới, ở một bệnh viện hiện đại, trang phục của các đội ngũ này cần có sự phân biệt để có thể nhận biết vị trí công việc, thuận lợi hơn cho hoạt động chung của bệnh viện. |
Hồng Hải