Nhân viên y tế phải hài lòng, người bệnh mới được chăm sóc tốt

(Dân trí) - Nếu nhân viên y tế hài lòng với thu nhập và yêu nghề, họ sẽ hạn chế tối đa sự tắc trách dẫn đến những khiếu kiện của người bệnh. Và trong bối cảnh y bác sĩ đang phải chịu quá nhiều áp lực thì khó mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Bài toán “cân não” trên là vấn đề được đặt ra trong Hội thảo “Sự hài lòng của người bệnh - khách hàng” do câu lạc bộ Y tế tư nhân tổ chức ngày 5/4 tại TPHCM. 

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố thì muốn có “sự hài lòng” của người bệnh, ngành y tế trước hết phải mang đến chính “sự hài lòng” cho nhân viên y tế.

Quá tải bệnh viện đang đè nặng lên chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế
Quá tải bệnh viện đang đè nặng lên chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế

Nhân viên y tế được tính từ những người bảo vệ cho đến các y bác sĩ…  là những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trên thực tế, sự quá tải của ngành y tế và những hạn chế mang tính lịch sử trong ngành đang gây ra những áp lực cho nhân viên y tế. 

BS Nguyễn Minh Mẫn, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho rằng, nhu cầu phát triển của xã hội đã đi trước sự phát triển của ngành y tế. Chính sự so sánh của người dân về năng lực của ngành y tế Việt Nam với chất lượng y tế các quốc gia khác qua thực tế và qua phim ảnh đã tạo nên sự không hài lòng của người dân.

BS Vương Anh Tài, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM kiêm Phó ban khảo sát sự hài lòng của người bệnh thuộc Sở Y tế, cho hay: “Trong năm 2014, Sở Y tế đã tiến hành khảo sát dịch vụ hành chính công để đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân. Thống kê của Ban khảo sát cho thấy, hơn 53% các khiếu nại, phản ánh qua đường dây nóng trên địa bàn TPHCM nguyên nhân là do người bệnh không hài lòng với thái độ ứng xử và cung cách làm việc của nhân viên y tế”.

Lòng yêu nghề, tận tụy của nhân viên y tế sẽ quyết định sự hài lòng của người bệnh 
Lòng yêu nghề, tận tụy của nhân viên y tế sẽ quyết định sự hài lòng của người bệnh 

BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết và Vô sinh TPHCM cho rằng, người bệnh đặt quá nhiều kỳ vọng lên nhân viên y tế, ngành y tế cũng yêu cầu y bác sĩ phải thực hiện tốt vài trò, nhiệm vụ của mình nhưng các bên liên quan chưa nhìn nhận một cách công bằng trước những áp lực của nhân viên y tế đang phải gánh chịu. Trong lúc năng lực thực tế của bệnh viện công đang rất thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức nhân viên y tế phải bỏ ra, áp lực từ đời sống vật chất đến nhiệm vụ phải hoàn thành và áp lực từ phía bệnh nhân, thông tin truyền thông… luôn gây ức chế về mặt tâm lý thì khó có thể đòi hỏi nhân viên y tế làm tròn vai của mình.

Trên thực tế, tình trạng quá tải tại bệnh viện công đang là vấn đề rất nhức nhối, nhiều bệnh viện thuộc các chuyên khoa như Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi,… mỗi ngày bác sĩ phải khám tới hơn 100 lượt bệnh nhân. 

Để giảm những áp lực quá tải, Bộ Y tế đang đặt mục tiêu phấn đấu giảm cường độ khám bệnh cho bác sĩ xuống 50 bệnh nhân, dần tiến tới còn 35 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng mục tiêu trên khó lòng thực hiện được trong vài năm tới.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, muốn giải quyết được vấn đề về sự hài lòng của người bệnh thì trước hết phải giải quyết bài toán “sự hài lòng của nhân viên y tế”. Người hành nghề phải hài lòng với thu nhập, hài lòng với chế độ đãi ngộ, phải yêu nghề, sợ mất việc thì mới biết “sợ” những hành vi tắc trách có thể gây ra cho người bệnh.

Bài toán trên cần có một cơ chế thông thoáng thì mới có thể thực hiện tốt giữa cả hệ thống y tế tư nhân lẫn y tế công lập. Các ý kiến tham luận tại hội thảo cho rằng, ngoài việc đào tạo chuyên môn, y bác sĩ trước khi ra trường cần phải được tập huấn, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử với người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần phải cung cập thông tin đúng mực về năng lực của các bệnh viện để người bệnh có cái nhìn khách quan, thực tế, chấp nhận với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, hạn chế bức xúc khi tình huống xấu xảy ra.

Vân Sơn