Bộ trưởng Y tế: Y tế cũng là 1 ngành cung cấp dịch vụ

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế cho rằng: y tế cũng là một ngành cung cấp dịch vụ, đó là dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, cũng phải như các đơn vị dịch vụ khác như ngân hàng, bảo hiểm... ngành y tế cũng cần tiến tới đổi mới toàn diện phong cách phục vụ người bệnh.

Thực trạng BV tại Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn của người dân. Ảnh: Bệnh nhân 
Thực trạng BV tại Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn của người dân. Ảnh: Bệnh nhân chờ khám tại Trung tâm hỗ trợ Sinh sản (BV Phụ sản Trung ương) - Hồng Hải


Ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới toàn diện về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi thái độ, phong cách ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh, các bệnh viện cũng phải thực hiện mô hình Bệnh viện xanh – sạch – đẹp.

Theo bà Tiến, tại nhiều bệnh viện khu vệ sinh còn bẩn, nhà vệ sinh còn không có chỗ rửa tay nên người dân rất sợ, rất ngại vào nhà vệ sinh bệnh viện. Một bộ phận bệnh nhân người Việt có điều kiện chọn đi nước ngoài chữa trị, không hẳn vì họ không tin tưởng vào tay nghề bác sĩ Việt Nam mà có thể vì chính những yếu tố này. 

Người bệnh ai không thích vào một bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Sạch từ ga trải giường, chỗ ăn uống, sảnh chờ, khu vệ sinh bệnh nhân nào không muốn, chứ không như tại Việt Nam nhiều bệnh viện khu vệ sinh cũng không có xà phòng rửa tay.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng quyết tâm đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới hài lòng người bệnh. Tới đây, ngày 22/4, Bộ Y tế lần đầu tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 700 đầu cầu, dự kiến sẽ có hơn 10.000 người cán bộ y tế tham dự về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.

Theo Bộ trưởng, ngành y tế không chỉ cung cấp dịch vụ cho người bệnh, chữa trị cho người bệnh mà phải thay đổi thái độ ứng xử, giao tiếp để làm hài lòng người bệnh.

Bà Tiến cũng đánh giá, thực tế trong hệ thống y tế của Việt Nam với hơn 4.000 cán bộ y tế từ cơ sở đến trung ương, hầu hết cán bộ nhân viên y tế đều làm tốt, làm tròn trách nhiệm của cán bộ y tế với người bệnh. Tuy nhiên thực tế, có một số ít cán bộ y tế có thái độ, cư xử không đúng mực với người bệnh và đây là nguyên nhân nảy sinh những bức xúc, khiếu nại giữa người bệnh - nhân viên y tế.

“Người bệnh hỏi 3 lần mà không trả lời, không hướng dẫn; rồi không may xảy ra tai biến thì tâm lý chung họ sẽ bức xúc. Ở các khoa hồi sức, cấp cứu, chuyện có người tử vong không phải việc lạ nhưng tử vong ở sản, nhi thì lại là chuyện lớn. Tất nhiên, tử vong vì bệnh trọng, tử vong vì ngoài khả năng chữa trị là bất khả kháng. Nhưng quan trọng là cách giải thích. Cán bộ y tế phải giải thích, phải chia sẻ, nói với người nhà bệnh nhân như thế nào để họ hiểu. Có thân nhân chết họ đã đau buồn, nếu giải thích không thoải đáng gây bức xúc tất yếu sẽ khiến người bệnh không hài lòng thái độ nhân viên y tế, thậm chí khiếu kiện”, bà Tiến thẳng thắn bày tỏ.

Nữ Bộ trưởng cũng cho rằng, y tế cũng là một ngành cung cấp dịch vụ, đó là dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, cũng phải như các đơn vị dịch vụ khác như ngân hàng, bảo hiểm... ngành y tế cũng cần thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng tại bệnh viện, tiến tới đổi mới toàn diện phong cách phục vụ người bệnh.

“Người bệnh đến viện phải được coi là một khách hàng, họ phải được cung cấp dịch vụ tốt nhất. Đến khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ như tư nhân, nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng, không thay đổi thái độ với người bệnh, nói như đuổi bệnh nhân đi thì có lẽ đến lúc bệnh viện phải ngồi chơi xơi nước vì không có bệnh nhân nào đến khám”, bộ trưởng Tiến nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, chia sẻ: “Chủ trương lộ trình tính đúng tính đủ giá viện phí, tôi cho rằng mục tiêu đầu tiên là vì người bệnh, hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn. Khi tính đúng, tính đủ chi phí, bắt buộc bệnh viện phải tự chủ về tài chính, đây là một áp lực rất lớn đối với các bệnh viện.

Khi tự chủ về tài chính các bệnh viện bắt buộc phải nỗ lực nâng cao dịch vụ, chất lượng y tế để tăng lòng tin người bệnh. Nếu người bệnh không tin tưởng, không đến bệnh viện để khám đồng nghĩa với việc bệnh viện không có tiền để trang trải y tế. Các bệnh viện sẽ rất áp lực vừa phải tăng cường chất lượng, vừa phải đổi mới phong cách phục vụ để hút người bệnh”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong hội nghị trực tuyến lần này cũng sẽ bàn về việc thay đổi trang phục của nhân viên y tế. Bởi trang phục của nhân viên y tế hiện nay, gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, thậm chí là học sinh, sinh viên các trường y dược khi thực tập tại bệnh viện đều là màu trắng. Cùng một màu trắng, người bệnh khó nhận biết, phân biệt được nhân viên y tế ở từng vị trí.

Màu áo blu trắng đã gắn liền với hình ảnh người thầy thuốc. Ảnh: H.Hải
Màu áo blu trắng đã gắn liền với hình ảnh người thầy thuốc. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ là thay đổi về màu sắc quần áo của điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên, hành chính, còn thiết kế quần áo vẫn giữ nguyên.

Được biết, khi Bộ Y tế đưa ra phương án thay đổi trang phục cho nhân viên y tế, tại các bệnh viện, nhiều bác sĩ đều ủng hộ phương án thay đổi màu sắc trang phục để phân biệt các vị trí tuy nhiên đều mong muốn màu sắc áo blu trắng của bác sĩ vẫn giữ nguyên bởi truyền thống bao đời nay của người Việt, và cả trên thế giới hình ảnh người bác sĩ luôn gắn liền với màu áo blu trắng.

Hồng Hải 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm