Hơn 52 nghìn ca mắc tay chân miệng, 109 trường hợp tử vong

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, đến nay, cả nước đã ghi nhận 52.321 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó đã có 109 trường hợp tử vong. Các ca mắc mới đang tiếp tục gia tăng ở mức cao.

Bộ Y tế cho biết, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20 (tháng 5) với 850 ca mắc/tuần, cao nhất là tuần thứ 27 (tháng 7), hiện nay vẫn đang duy trì ở mức cao với trên hai nghìn ca mắc/tuần. Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 70,8% số mắc và 90,8% số tử vong của cả nước.
 
Hơn 52 nghìn ca mắc tay chân miệng, 109 trường hợp tử vong - 1
Số mắc tay chân miệng mới hiện đang duy trì ở mức cao.

Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu xảy ra ở trẻ nam (71,3%), dưới 3 tuổi (79,6%). Các tỉnh, thành phố có tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất tại khu vực phía Nam là: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu, Tiền Giang; khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi.

109 trường hợp tử vong tại 22 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh (26), Đồng Nai (22), Bình Dương (09), Long An (07), Bà Rịa - Vũng Tàu (06), Bạc Liêu (06), Quảng Ngãi (05), Tiền Giang (05), An Giang (03), Đồng Tháp (03), Cà Mau (02), Bến Tre (02), Sóc Trăng (02), Hậu Giang (02), Lâm Đồng (02), Kiên Giang (01), Bình Phước (01), Đắk Lắk (01), Ninh Thuận (01), Bình Định (01), Kon Tum (01) và Quảng Nam (01).

Tính đến ngày 14/8/2011, tại các Viện VSDT/Pasteur đã ghi nhận 1.193 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng, chiếm 73,7%, trong đó có 651 mẫu dương tính với EV71 (40,2%) và 542 mẫu dương tính với các EV khác (33,5%).

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới (tháng 9-11), gia tăng số mắc, tử vong vì bệnh tay chân miệng dễ lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Hơn nữa, các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ, chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh tay chân miệng.
 
Các biện pháp phòng chống dịch hiện nay hiệu quả chưa cao, tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ chưa chú trọng công tác tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường giám sát. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục - Đào tạo, tăng cường truyền thông...

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm