Hoạt động của bố mẹ có thể vô tình khiến con nhỏ mắc bệnh ung thư!

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Nhưng nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng đắn thì tỷ lệ khỏi bệnh là rất cao.

Nhiều người thường có suy nghĩ rằng nguyên nhân duy nhất dẫn đến ung thư ở trẻ em là do gen di truyền. Tuy nhiên, theo kết luận của các nhà khoa học, những yếu tố ngoại cảnh cũng có thể khiến con nhỏ vô tình nhiễm tác nhân gây ra ung thư, thậm chí, đây còn là nguyên nhân phổ biến nhất.

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 5-10% số ca mắc ung thư ở trẻ con là do gen di truyền từ bố mẹ, còn lại là vì các nguyên nhân khác. Cơ thể bố hoặc mẹ chứa mã gen lỗi dẫn đến bệnh ung thư, thì khả năng rất cao thế hệ sau cũng thừa hưởng đoạn gen này và vô tình kế thừa luôn căn bệnh. Bởi lẽ, ung thư là bệnh lý xuất hiện khi các tế bào trong cơ thể bành trướng một cách bất thường do đột biến gen gây ra. Hậu quả của quá trình này là sự hình thành các khối u (ung bướu) chèn ép và di căn làm giảm khả năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, thậm chí là gây tử vong.

Hoạt động của bố mẹ có thể vô tình khiến con nhỏ mắc bệnh ung thư! - 1

Có nhiều nguyên nhân do ngoại cảnh tác động dẫn đến ung thư ở trẻ nhỏ, điển hình như việc nhiễm phóng xạ. Trẻ em sinh sống tại khu vực bị nhiễm phóng xạ có thể bị tổn thương ADN và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh máu trắng và ung thư tuyến giáp. 

Bên cạnh đó, việc người thân hút thuốc khi tiếp xúc gần với trẻ nhỏ có thể gián tiếp mang tác nhân gây bệnh ung thư phổi đến cho trẻ. Đồng thời, tình trạng phơi nhiễm khói thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi,... Bởi lẽ, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 tạp chất, trong đó có 69 chất độc gây hại cho cơ thể và yếu tố chính dẫn đến căn bệnh quái ác này.

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng là một phần khiến nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em trở nên phổ biến hơn. Trong đó, thói quen ăn vặt là một trong những nguyên nhân khiến trẻ béo phì, tăng gánh nặng cho dạ dày, rối loạn dinh dưỡng và tăng sự tiếp nạp các chất gây ung thư.

Các loại ung thư thường gặp ở trẻ em

U não: Là loại ung thư hay gặp nhất ở trẻ em. U phát triển tại mô mềm của não hoặc u tế bào mầm trong não. Bình thường, u tế bào mầm thường xuất phát từ tinh hoàn hoặc buồng trứng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp u tế bào mầm ở hệ thống thần kinh trung ương.

Bạch cầu cấp: Là bệnh máu ác tính bắt đầu từ tế bào tạo máu của tủy xương, bao gồm bạch cầu cấp dòng lympho và bạch cầu cấp dòng tủy.

U nguyên bào thần kinh: Là ung thư của hệ thần kinh giao cảm, vị trí u có thể ở thượng thận, cổ, trung thất, tiểu khung.

Ung thư xương: Là loại ung thư liên kết từ 3 tế bào, bao gồm tế bào tạo sụn, tế bào tạo xương và tế bào liên kết của mô xương.

U thận: Thường gặp các khối u nguyên bào thận.

U nguyên bào võng mạc: Có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên mắt.

Hầu hết các bệnh ung thư ở trẻ em đều có thể điều trị được. Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân nhí mắc bệnh ung thư sẽ sống và tiếp tục phát triển đến khi trưởng thành. Lý do là vì trẻ em có nhiều khả năng đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị, dẫn đến tỷ lệ sống sót sau ung thư ở trẻ em cao hơn so với tỷ lệ sống sót của người lớn. Tỷ lệ này ngày càng cao trong những năm gần đây do những tiến bộ y học góp phần làm tăng hiệu quả việc điều trị.