Hình ảnh "ứa nước mắt" chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19

Tú Anh

(Dân trí) - Hình ảnh 2 vợ chồng già cùng mắc Covid-19 chăm nhau; nụ cười lạc quan của y bác sĩ; cuộc gọi điện về cho con nhỏ cách hàng ngàn cây số...được ghi lại tại Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19.

Tôi và bà cùng nhau cố gắng!

Mỗi ngày, Đ.V.M. đang là bệnh nhân Covid-19 đều đến bên giường bệnh của vợ, nói chuyện, động viên bà, xoa bóp chân tay, đưa bà vào xe lăn đi dạo... khiến các bác sĩ của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TPHCM xúc động.

Hình ảnh ứa nước mắt chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 - 1

Hàng ngày, bác M đều chăm sóc, trò chuyện, động viên tinh thần bác H, cùng nhau cố gắng, cùng nhau chiến thắng Covid (Ảnh: BS Ngô Hải Sơn).

Cùng mắc Covid-19, nhưng bác M. hồi phục sức khỏe nhanh hơn còn bác H. kèm nhiều bệnh lý nền, có lúc nguy kịch, tưởng chừng như không thể qua khỏi.

Và rồi, cùng với sự chăm sóc tận tâm của các y bác sĩ thì tình thân giống như liều thuốc tinh thần vô giá giúp người bệnh yên tâm điều trị. Mỗi ngày bác M. đều ở bên động viên "Tôi và bà cùng nhau cố gắng nhé!". Giờ đây, bác H đã có thể ăn uống tốt, tình trạng sức khỏe ổn định hơn, tinh thần phấn chấn hơn.

Hình ảnh ứa nước mắt chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 - 2

Từ chỗ nguy kịch, bác H. đã dần vượt qua nhờ sự chăm sóc của các y bác sĩ và người chồng bên cạnh.

Với bác H., con đường phía trước là tương lai hạnh phúc vì luôn có người chồng mẫu mực, hết lòng thương yêu, chăm sóc và chở che.

Hình ảnh ứa nước mắt chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 - 3

Nụ cười lạc quan và những cuộc gọi video vượt nghìn cây số

Điều dưỡng Vũ Thị Hồng - Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TPHCM cũng đã có mấy chục ngày xa nhà, xa Hà Nội vào TPHCM chống dịch Covid-19.

Hàng ngày, sau kết thúc một ngày dài, chị lại cầm điện thoại gọi video cho hai con nhỏ đang ở Hà Nội.

Với các y bác sĩ, công việc một ngày tại Trung tâm Hồi sức tích cực luôn tay luôn chân, không phút ngơi nghỉ, ngay cả "nghĩ đến con cũng không có thời gian". Nhưng sau khi kết thúc ngày làm việc, nỗi nhớ nhà, thương con mới trào lên, vô bờ.

Hình ảnh ứa nước mắt chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 - 4

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, giữa muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt, những cảm xúc vẫn trào dâng, giúp các y bác sĩ vượt qua gian khó, quyết tâm cứu chữa những người bệnh.

Hình ảnh ứa nước mắt chuyển ra từ Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 - 5

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - khoa Thận Lọc Máu và Điều dưỡng Nguyễn Xuân Thành - khoa Phẫu thuật Gan Mật, Bệnh viện HN Việt Đức.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - khoa Thận Lọc Máu và Điều dưỡng Nguyễn Xuân Thành - khoa Phẫu thuật Gan Mật, Bệnh viện HN Việt Đức sau nhiều giờ điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực Người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TPHCM nở nụ cười lạc quan, khi thấy người bệnh Covid-19 hồi phục mỗi ngày.

Những hình ảnh được các bác sĩ gửi ra từ Trung tâm hồi sức mộc mạc nhưng nhiều niềm xúc động. Gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, người thân... đều hiểu rằng sau những nụ cười ấy là sự hi sinh khó nói hết thành lời.

Các y bác sĩ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ từ 6 tiếng đến 8 tiếng và có thể kéo dài hơn nữa nếu bệnh nhân Covid trở nặng.

Dưới lớp khẩu trang, mồ hôi không ngừng túa ra, những vết hằn của thời gian lộ rõ trên khuôn mặt... Dù thấm mệt, nhưng mỗi lần kéo tay bệnh nhân Covid-19 từ "lưỡi hái tử thần", chứng kiến khoảnh khắc bệnh nhân nặng và nguy kịch bỏ được thở máy, giao tiếp được, uống được sữa, ăn được những thìa cháo đầu tiên rồi kiên trì tập phục hồi chức năng, bình phục sức khỏe, được ra viện, trở về đoàn tụ bên gia đình và không ngừng cảm ơn các y bác sĩ, những mệt nhoài sẽ tan biến.

Trong những lần trào dâng cảm xúc vì xa con, cảm xúc trước thực tế khốc liệt của dịch Covid-19 đang xảy ra tại TPHCM, Điều dưỡng Vũ Thị Hồng đã sáng tác bài thơ "Mùa hè năm ấy" để tặng các con của mình.

Mùa hè năm ấy

Mẹ sẽ kể con nghe

Về mùa hè năm ấy

Sáu giờ sáng mẹ dậy

Xách Vali lên đường

Bố nhìn mẹ thấy thương

Thân gái xa nghìn dặm

Mẹ thương bố nhiều lắm

Cũng một mình lên phường

Nghĩ tới con mẹ thương

Đang ở xa - quê ngoại

Bằng giờ này năm ngoái

Mẹ tíu tít ở nhà

Chuẩn bị đồ bao la

Hết bút rồi sách vở

Quần áo đẹp các cỡ

Chuẩn bị con đến trường

Mẹ có nhiều tình thương

Nên chia thành các hướng

Nếu chọn mình sung sướng

Người khác sẽ khổ thay

Chọn bên con hàng ngày

Thì bạn con vắng mẹ

Hè năm nay mẹ sẽ

Tạm xa con ít ngày

Cuộc sống nhiều đổi thay

Dịch bệnh luôn rình rập

Từ ban ngành các cấp

Đều vất vả con à

Năm học cũ đã qua

Chuẩn bị vào năm mới

Mẹ sẽ không được tới

Dự khai giảng cùng con

Tạm biệt trường mầm non

Con bước vào lớp một

Cố học hành thật tốt

Hết dịch mẹ sẽ về

Hai anh em ở quê

Nhớ giữ gìn sức khỏe

Con trai mẹ mạnh mẽ

Con gái mẹ dịu dàng

Cả hai đều rất ngoan

Mẹ yên tâm chống dịch

Cuộc sống ai chẳng thích

Không phải xa gia đình

Không vất vả hi sinh

Hạnh phúc riêng con nhỉ

Mẹ đã nghĩ thật kĩ

Mẹ vẫn chọn lên đường

Vì miền Nam yêu thương

Vì miền Nam ruột thịt

Tình đồng bào khăng khít

Như máu chảy ruột mềm

Sau này con lớn lên

Cũng trưởng thành từ đó

Đi lên từ gian khó

Giúp con hiểu nhiều điều

Giúp con sống biết yêu

Những người còn hoàn cảnh

Thương những người bất hạnh

Cuộc sống chẳng được may

Để cuộc sống sau này

Bình an và hạnh phúc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm