Bác sĩ hồi sức cấp cứu "hiến kế" giảm tỉ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - "Chúng ta muốn giảm tử vong. Chúng ta đang cố gắng rất nhiều nhưng không giảm được bao nhiêu. Nhưng nếu điều trị tốt ở tầng một, tầng 2 thì sẽ giảm tải cho tầng 3", PGS.TS Phạm Duệ viết trong tâm thư.

PGS.TS.BS Phạm Duệ, nguyên Trưởng khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết để giảm tử vong chúng ta có ba nấc:

1. Giãn cách giảm mức độ cuồng phong của "bão dịch".

2. Điều trị đúng và chăm sóc tốt, mục tiêu để bệnh nhân không phải gia nhập tầng 3 để thở máy và lọc máu.

3. Tầng 3 phải được tăng cường cả trang thiết bị hiện đại và cả nhân lực cao cấp để giảm tỷ lệ tử vong.

"Trong 3 nấc thang đó, giãn cách và tăng thêm nhân lực về hồi sức tích cực "đỉnh cao", chúng ta đã làm nhưng không thể tăng được nữa. Như thế, chỉ còn việc tăng người chăm sóc điều trị tốt cho tầng một và 2 để bệnh không phải "leo" tầng 3", PGS Duệ nhấn mạnh.

Bác sĩ hồi sức cấp cứu hiến kế giảm tỉ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19  - 1

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà ở TPHCM.

Vì thế, mới đây, PGS Duệ gửi tâm thư về việc cấp thiết cần làm để giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19, nhất là tại TPHCM.

Theo ông, sẽ giảm mạnh số tử vong nếu tăng được số người chăm sóc, nếu chú ý đến việc cho bệnh nhân ăn, uống đủ nước và calo và nếu có người thường xuyên động viên tinh thần giúp bệnh nhân thay đổi tư thế kể cả nằm nghiêng, nằm sấp, kết hợp vỗ rung, bệnh nhân sẽ đỡ suy hô hấp.

"Chúng ta muốn giảm tử vong. Chúng ta đang cố gắng rất nhiều nhưng không giảm được bao nhiêu. Kỹ thuật ECMO rất tiên tiến, hiện đại nhưng rất đắt, khó sử dụng. Trong khi nếu chúng ta biết điều trị tốt ở tầng một, tầng 2 thì sẽ giảm tải cho tầng 3", PGS Duệ viết.

Câu hỏi là Làm thế nào?

Về vấn đề nhân lực, PGS Duệ cho rằng có thể tận dụng những tình nguyện viên tại đại phương là những bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ 2 vắc xin, thậm chí là người nhà bệnh nhân là tốt nhất. TPHCM có thể tập huấn cho họ để giúp đỡ các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.

Về vấn đề ăn gì, bệnh nhân có thể ăn cháo thịt, sữa, bún, phở, hủ tiếu...

Về nước uống, uống oresol tiêu chuẩn, nước dừa hoặc nước hoa quả, sinh tố có sẵn. TP có thể huy động các quán sinh tố hoạt động và cung cấp cho bệnh viện. Nước dừa rất tốt vừa cung cấp năng lượng và nước, điện giải thiên nhiên vừa là sản vật sẵn có. Đồng thời, cũng cần bình tiếp nước và bình hút phù hợp với bệnh nhân khi phải đeo mask thở oxy.

"Nếu làm tốt công tác chăm sóc bệnh nhân ngay từ tầng một, tầng 2 của tháp điều trị, tôi tin rằng bệnh nhân sẽ không phải chuyển tầng", PGS Duệ chia sẻ.

Trước đó, trong bài viết chia sẻ về cách chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, TS.BS Quân Thế Dân cho biết lần đầu tiên vào buồng bệnh, ông đã choáng ngợp trước quy mô của đại dịch. Bệnh nhân nằm la liệt, khó thở đủ các mức độ.

Theo TS Dân, trong các thể loại cấp cứu, cấp cứu suy hô hấp phải khẩn trương nhất, bệnh nhân dễ chết nhất. Trong khi đó, nhân viên y tế thì vô cùng thiếu, quay như chong chóng trước diễn biến của bệnh. Người quá thiếu, nhất là điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì các điều dưỡng đang làm 300% sức lực.

Bác sĩ hồi sức cấp cứu hiến kế giảm tỉ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19  - 2

Bên cạnh nỗ lực điều trị, việc chăm sóc tốt cho bệnh nhân Covid-19 ngay từ tầng thấp như cho ăn, cho uống, hướng dẫn thở, vỗ lưng... sẽ góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. 

Vì vậy, để duy trì công việc và giúp đỡ lẫn nhau, sau khi khám bệnh xong các bác sĩ đều làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước. Các công việc đó nếu trước kia thì không có gì khó khăn, nhưng bây giờ lại khác.

Cho ăn

Bệnh nhân Covid-19 thở gấp suốt ngày, phải gắng sức rất nhiều, nên mệt và càng không có sức để hô hấp dẫn đến khó thở hơn. Vòng xoáy này cứ đẩy dần bệnh nhân đến chỗ suy hô hấp không hồi phục rồi tử vong.

"Tuy nhiên, cho người đang thở mask oxy ăn giống như là trò chơi ú tim với Covid-19. Nhấc mặt nạ thở oxy, đút vội thìa cháo rồi vội vàng úp mặt nạ thở oxy xuống cho bệnh nhân thở tiếp, chỉ làm chậm một tý là oxy máu tụt. Và công việc cứ như thế tuần tự…", TS Dân chia sẻ.  

Là một bác sĩ đã về hưu, với 40 năm trong nghề, ông cho biết đây là lần đầu ông gặp dạng khó thở dữ dội đến vậy. Đấy là với những người bệnh nặng vừa phải. Những trường hợp nặng hơn thì được đặt sonde dạ dày để bơm sữa nuôi ăn, nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng, tuy nhiên mùa dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó.

Uống nước

Bệnh nhân khó thở, thở gấp suốt ngày, cùng với thở oxy dòng cao khiến họ mất nước rất dữ, người khô lại, máu cô đặc, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Tất cả người bệnh tất cả đều rất khát. Người nào còn khỏe thì còn tự uống được, và uống rất nhiều nước.

Tuy nhiên, với những trường hợp phải thở oxy mask thường xuyên thì việc uống nước vô cùng khó khăn vì vướng mặt nạ, không thể uống được, nước đổ tung tóe ra giường.

Dùng ống hút cắm vào cốc nước thì bệnh nhân hút lên thì được, nhưng không có người phục vụ. Vì thế, mọi người nghĩ đủ mọi cách để có bình uống nước cho bệnh nhân đang thở oxy. Lúc đầu các y bác sĩ thử dùng bình uống cho người chơi thể thao vì có vòi hút để cạnh cho bệnh nhân tự hút, vừa kín không sợ đổ nước. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, vòi hút quá to, đòi hỏi bệnh nhân phải rít thật mạnh nước mới lên, người yếu hút nước không lên.

"Cuối cùng, nhờ gợi ý của rất nhiều người chúng tôi đã cải tiến để có bình nước cho bệnh nhân. Cụ thể là dùng chai 1,5 lít, khoan ở nắp một lỗ nhỏ, luồn dây thở oxy qua thế là xong. Bí quyết là khoét lỗ phải bé hơn dây một chút là kín, không rò rỉ nước. Hoàn toàn tận dụng, không mất tiền mua, mà có dùng ngay", TS Dân chia sẻ.

"Cùng với nỗ lực điều trị, nếu chăm sóc tốt, chúng ta sẽ dìu bệnh nhân qua những ngày cam go nhất và cứu được họ", chuyên gia cho biết thêm.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4