Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn:

Hiện chưa cảnh báo được nhiều bệnh liên quan đến thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm - bộ luật đầu tiên về một trong những lĩnh vực nóng nhất của đời sống- chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới. Dưới đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn xoay quanh vấn đề này.

  

Hiện chưa cảnh báo được nhiều bệnh liên quan đến thực phẩm - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: Luật đã phân công rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên “chúng ta mới phát hiện ngộ độc thực phẩm là chính, chưa giải quyết được bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, nhất là những bệnh chuyển hóa, ung thư...”, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết.

 

Ông đánh giá yếu tố nào trong luật sẽ tác động nhiều nhất đến việc lập lại trật tự VSATTP, một trong những vấn đề khiến người dân lo ngại nhiều hiện nay?

 

Điểm cơ bản nhất là Luật đã phân công rõ trách nhiệm từng Bộ trong nhóm 3 Bộ quản VSATTP gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, theo chuỗi thực phẩm. Điều này giúp quản lý chặt chẽ hơn, mỗi bộ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong nhóm sản phẩm mình phụ trách, khi có sự cố xảy ra thì xử lý ngay theo hệ thống của mình, như thế nhanh chóng hơn là đợi các bộ cùng nhau vào cuộc. Phân công trách nhiệm từng Bộ, sự phối hợp nhà quản lý - người sản xuất cũng khăng khít hơn. Dĩ nhiên Bộ Y tế vẫn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

 

Một trong những vướng mắc dễ nhận thấy là tuy đã thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều nhưng vấn đề vệ sinh thực phẩm vẫn còn rất nóng bỏng. Lý do cơ bản nhất là gì, thưa ông?

 

Thanh tra thực phẩm nhiều, sai phạm phát hiện nhiều là điều dễ hiểu. Nhiều người nói với tôi rằng công tác VSATTP những năm qua thực sự có hiệu quả, bằng chứng là ở địa phương họ, tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP đã giảm mạnh. Trong Luật An toàn thực phẩm, có đề cập xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành, ngày 1/7 tới, cùng với Luật An toàn thực phẩm, một bộ Luật nữa cũng liên quan tới thực phẩm là Luật Thanh tra sửa đổi, liên quan nhiều đến kiện toàn hệ thống thanh tra, bảo đảm công tác hậu kiểm vì quan trọng nhất của hậu kiểm là thanh tra. Năm 2009-2010 đã có nhiều cuộc hậu kiểm ở các tỉnh thành, giúp phát hiện nhiều vi phạm của các nhà sản xuất, của sản phẩm, đưa thông tin vi phạm lên báo chí, hướng dẫn cho các nhà sản xuất thực hiện đúng quy định. Dần dần vi phạm ít hơn nhưng thanh tra phải tăng cường hơn nữa mới đảm bảo được vấn đề thực phẩm.

 

Theo tôi, hiện nay, chúng ta mới phát hiện ngộ độc thực phẩm là chính, bệnh lây qua thực phẩm cũng mới dừng ở bệnh những bệnh đơn giản như bệnh đường ruột, ngộ độc do chất độc tự nhiên, còn các bệnh chuyển hóa, bệnh lâu dài mới phát tác như ung thư thì chưa.

 

Xác định yếu tố nguy cơ và cảnh báo sớm chứ không chờ ngộ độc rồi mới giải quyết đã được nói đến nhiều và có thể giúp tình hình được giải quyết rốt ráo hơn, khi triển khai luật, công việc quan trọng này sẽ được tiến hành như thế nào?

 

Ngành y tế đang chuẩn bị để phân công cho các Viện kiểm nghiệm TƯ và khu vực, kiểm tra cùng nhóm thực phẩm trong vòng 2-3 năm, xem hóa chất nào hay được sử dụng để bảo quản trong rau, trong thịt, trong rượu... chúng có ảnh hưởng sức khỏe hay không và cảnh báo trước cho người dân. Làm liên tục như vậy với nhiều nhóm thực phẩm, sẽ kiểm soát được nguy cơ.

 

Trước mắt giai đoạn 2011- 2015 sẽ tiến hành với nhóm thực phẩm có nguy cơ cao nhất, như rượu, như rau quả, thịt..., xem loại hóa chất nào hay được sử dụng, mức độ ra sao, gây hại thế nào,  từ đó tổng hợp số liệu hàng năm, hàng tháng, hàng quý để đưa ra khuyến cáo cho người dân, nếu sản phẩm an toàn cũng thông báo để người dân yên tâm.

 

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm