Heo thối đội lốt… ‘đặc sản rừng’

Ăn phải “đặc sản rừng” này dễ bị ngộ độc, tiêu chảy, trường hợp nặng có thể tử vong.

Sáng 12/7, ông Nguyễn Hồng Triệu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh (TPHCM), cho biết kết quả xét nghiệm các mẫu thịt “đặc sản” đà điểu, nhím, nai, heo thu giữ tại địa chỉ C5, tổ 199, ấp 4A, xã Bình Hưng (do bà Nguyễn Thị Kim Thy thuê) cho thấy tất cả đều nhiễm vi sinh nặng. Nếu ăn phải các loại thịt này sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

Bất ngờ với “đặc sản rừng” giá rẻ

Trước đó, ngày 30/6, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra địa chỉ nói trên. Tại đây đoàn ghi nhận có năm tủ cấp đông chứa đầy sản phẩm động vật đã được đóng gói với quy cách 1 kg/bịch. Trong đó có 37 bịch ghi thịt đà điểu, 107 bịch ghi cánh đà điểu, 21 bịch ghi bao tử đà điểu, năm bịch ghi thịt nai, 40 bịch ghi thịt nhím, 434 bịch ghi thịt heo.

Đoàn còn phát hiện máy hút chân không, máy ép bao bì cùng nhiều nhãn giấy, bịch nylon in sẵn các dòng chữ thịt đà điểu, thịt nai, thịt nhím nhưng không có tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, phân phối. Ngoài ra, đoàn còn phát hiện một số chai nhựa đựng nước màu đỏ nghi dùng để tẩm, ướp nhằm “phù phép” thịt heo thành thịt nhím, nai, đà điểu…

Trả lời xuất xứ các loại thịt này với đoàn, bà Thy nói: “Tôi mua thịt đà điểu, nhím, nai ở Khánh Hòa, còn thịt heo mua ở chợ Bình Điền (TPHCM). Sau đó tôi mang bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu ở TPHCM và các tỉnh”.

Hỏi giá các loại thịt bán ra thế nào, bà Thy cho biết giá thịt nai bán ra 97.000 đồng/kg, đà điểu 95.000 đồng/kg, nhím 115.000 đồng/kg, thịt heo 90.000 đồng/kg.

Một cán bộ đoàn nhận định nếu đúng là thịt nai, đà điểu, nhím thật thì không thể có giá đó.

Bà Thy đã không trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, toàn bộ lô hàng không có giấy kiểm dịch cũng như hóa đơn mua bán nên đoàn kiểm tra đã tạm giữ và lấy mẫu xét nghiệm.

Số thịt heo này đã được tẩm hóa chất để “hô biến” thành “đặc
sản rừng”. Ảnh: TRẦN NGỌC
Số thịt heo này đã được tẩm hóa chất để “hô biến” thành “đặc sản rừng”. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thịt nhím giả đựng trong bao bì không ghi rõ xuất xứ. Ảnh:
TRẦN NGỌC
Thịt nhím giả đựng trong bao bì không ghi rõ xuất xứ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bỏ hàng, né xử phạt

Ông Nguyễn Hồng Triệu cho biết ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Thy hơn 11 triệu đồng do kinh doanh sản phẩm động vật không giấy phép, thịt các loại bị nhiễm vi sinh. Quyết định xử phạt được chuyển đến địa chỉ C5, tổ 199, ấp 4A, xã Bình Hưng nhưng bà Thy đã chuyển đi nơi khác. Cơ quan chức năng nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của bà Thy nhưng bất thành.

Ông Triệu cho biết thêm cơ quan chức năng đã gửi quyết định xử phạt và kết quả xét nghiệm đến địa chỉ nhà bà Thy ở Long An, tuy nhiên chưa thấy phản hồi. Cơ quan chức năng tiếp tục gửi thêm hai lần nữa. “Nếu bà Thy vẫn không hợp tác giải quyết vụ việc thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ lô hàng” - ông Triệu nói.

Về lô hàng nói trên là thịt nai, nhím, đà điểu thật hay giả, ông Triệu giải thích: Thông thường, cơ quan chức năng xét nghiệm vi sinh trước. Nay lô hàng không đạt về vi sinh nên buộc tiêu hủy mà không cần xét nghiệm tiếp là thịt nai, đà điểu, nhím thật hay giả. Vả lại chi phí cho xét nghiệm này rất tốn kém. “Trong trường hợp lô hàng không bị nhiễm vi sinh thì chúng tôi mới tiếp tục kiểm định thịt nai, nhím, đà điểu là thật hay giả để có cơ sở xử lý” - ông Triệu nói.

Thịt thật làm gì có giá đó!

Để làm rõ số thịt nai, đà điểu, nhím nói trên là giả hay thật, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ bà T. (không muốn nêu tên, ở Tân Bình, TPHCM), một người chuyên cung cấp thịt nai trên địa bàn TP.HCM.

Bà T. cho biết thịt nai bây giờ bị làm giả nhiều. Giá bán thịt nai thật khoảng 310.000 đồng/kg, còn có nơi nào bán với giá 97.000 đồng/kg thì chắc chắn là thịt nai giả. “Thịt nai giả mới có giá đó. Người ta tẩm thịt heo với phẩm màu đỏ và hương vị là thành thịt nai ngay”, bà T. nói.

Tiếp tục liên hệ với ông T. (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), người phân phối thịt rừng, qua số điện thoại 09079603… Ông T. cho biết: “Nhím sống chưa làm thịt giá 250.000 đồng/kg, làm thịt xong giá 350.000 đồng/kg. Còn thịt nhím bán chỉ 115.000 đồng/kg chắc chắn là giả. Loại này bỏ sẵn trong bịch 1kg không địa chỉ, chẳng tên tuổi”.

Bà H. (quận Bình Thạnh, TPHCM), một đại lý phân phối thịt đà điểu, cho biết phi lê đà điểu có giá 195.000 đồng/kg, còn thịt đùi đà điểu là 185.000 đồng/kg. “Làm gì có giá 1 kg thịt đà điểu bằng 1 kg thịt heo. Nếu bán giá 95.000 đồng/kg thì chắn chắc là thịt đà điểu giả. Họ tẩm thịt heo giá rẻ với màu và phụ gia để biến thành thịt đà điểu. Thịt này khi nấu sẽ có màu trắng nhách, chẳng khác thịt heo”, bà H. cho biết.

Thịt nhiễm vi sinh thường có vi khuẩn E. Coli và Salmonella, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh liên quan đường ruột. Ngoài ra còn có vi khuẩn Streptococcus suis gây bệnh liên cầu lợn ở người. Bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Chưa hết, thịt nhiễm vi sinh còn có sự hiện diện của sán gạo heo, gây co giật, mê sảng, giảm trí nhớ.

BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Sức khoẻ, quý độc giả có thể gửi đến chuyên mục Sức khoẻ báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email suckhoe@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!