Hành trình sinh tử về vòng tay mẹ của những bệnh nhân "0 tuổi"
(Dân trí) - Trẻ sinh non được ví như những chiến binh dũng cảm. Khi vừa chào đời, các bé đã phải xa vòng tay mẹ, bước vào cuộc chiến đầy khó khăn với bệnh tật.
6h sáng, nữ sản phụ mang song thai 28 tuần được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đỡ đẻ thành công. Trước đó, sản phụ được chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai phải đình chỉ thai kỳ sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Vừa chào đời, hai bé song sinh đã phải đối mặt với tình trạng suy hô hấp do sinh non, phổi chưa trưởng thành. Các em ngay lập tức được các y bác sĩ hồi sức trong phòng sinh sau đó chuyển lên phòng Hồi sức, Khoa Sơ sinh.
Một cuộc chiến mới bắt đầu.
Tại phòng hồi sức, Khoa Sơ sinh, cặp song thai ngay lập tức được kíp trực đặt nội khí quản thở máy. Bác sĩ tiếp tục chỉ định bơm thuốc vào phổi vì tình trạng của 2 bé đều suy hô hấp rất nặng.
Theo BS Nguyễn Thị Liên Hương, Khoa Sơ sinh, ngoài tình trạng suy hô hấp thì một trong hai bé bị thiếu máu rất nặng. Các bác sĩ đã phải truyền máu cấp cho trẻ.
Để nâng huyết áp, bệnh nhi ngay lập tức đã được bác sĩ đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục, đặt tĩnh mạch rốn để truyền thuốc vận mạch do tình trạng thiếu máu, suy hô hấp gây ảnh hưởng đến sức co bóp cơ tim.
Hướng về lồng ấp phía góc phòng, BS Hương cho biết, đó là em bé còn lại của cặp song sinh. Em bé suy hô hấp nặng nhưng may mắn không thiếu máu. Tuy nhiên sẽ còn nhiều những biến cố trên trẻ sinh non vẫn cần phải theo dõi sát để điều trị, can thiệp kịp thời.
"Hai con đều đã rất kiên cường. Chúng tôi vẫn đang cố gắng hỗ trợ nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng của trẻ", BS Hương trăn trở.
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện đang điều trị cho gần 150 trẻ sơ sinh. Trong số này có đến 85 - 90% là trẻ sinh non tháng.
Riêng tại phòng Hồi sức đang điều trị cho khoảng 30 trẻ phải can thiệp thở máy hoặc thở CPAP, cấp cứu suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm ruột, rối loạn đường huyết và rất nhiều những bệnh lý là biến chứng của trẻ sinh non.
ThS.BSCKII Phạm Thị Thu Phương, Trưởng khoa Sơ sinh gọi các bé sơ sinh ở phòng Hồi sức là "những chiến binh dũng cảm". Khi vừa chào đời, các bé đã phải xa vòng tay mẹ, bước vào cuộc chiến đầy khó khăn với bệnh tật.
Phần lớn trẻ ở phòng hồi sức đều là trường hợp sinh rất non và cực non tuổi thai 25-28 tuần, với cân nặng 600-800g. Khoa Sơ sinh đã từng cứu được bé sơ sinh có tuổi thai nhỏ nhất là 24-25 tuần, bé có cân nặng thấp nhất được cứu sống là 400g.
Trong phòng Hồi sức, cảm nhận rõ sức nóng của nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhi qua những bước chân cấp tập của 3 bác sĩ và 5 điều dưỡng.
"Các bé sinh non khi chào đời sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn vì các hệ cơ quan chưa trưởng thành. Do đó, chăm sóc và điều trị trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ sinh cực non đặt ra thách thức lớn cho các y bác sĩ", BS Hương phân tích.
Theo chuyên gia này, trẻ sinh non đối mặt với 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là tình trạng suy hô hấp do phổi còn rất non đòi hỏi phải có hỗ trợ hô hấp từ bơm thuốc vào phổi cho đến thở máy. Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng. Nhiều trẻ sinh non có hệ tiêu hóa non yếu bắt buộc phải nuôi qua tĩnh mạch rốn.
Một vấn đề lớn khác chính là nguy cơ nhiễm trùng. Trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ mẹ hoặc nhiễm khuẩn trong quá trình can thiệp thở máy, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn bệnh viện.
"Trẻ sơ sinh diễn biến rất nhanh. Vì vậy, trong ca làm việc chúng tôi phải thường xuyên bao quát các chỉ số sinh tồn của trẻ như nhịp tim, huyết áp, SpO2, cũng như những dấu hiệu cảnh báo đỏ từ màu sắc da, cử chỉ của trẻ. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ", BS Hương chỉ rõ.
Tiếng cảnh báo đỏ vang lên từ lồng ấp ở giữa phòng. Phía bên trong em bé sinh non 26 tuần, cân nặng 750g vừa được chuyển lên khoa từ hôm trước bất ngờ tím tái, có cơn ngừng thở dài.
Ngay lập tức 3 y bác sĩ tiếp cận bệnh nhi để đặt nội khí quản, can thiệp thở máy. Trước đó, trẻ đã được bơm thuốc vào phổi, có cải thiện nhưng sau 8 giờ đồng hồ lại tiếp tục diễn biến nặng, phải bơm thuốc liều 2.
Nam bác sĩ dùng một tay điều chỉnh tư thế bệnh nhi để bộc lộ thanh môn. Khi quan sát thấy thanh môn mở ra, bác sĩ nhanh chóng đưa ống nội khí quản, tiếp cận khí quản của trẻ. Thao tác này đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác rất cao bởi trẻ quá nhỏ và quá nặng nếu không kịp thời trẻ có thể ngừng thở, ngừng tim.
Sau khi ống nội khí quản được cố định, nữ điều dưỡng tiến hành bóp bóng. Bác sĩ tập trung lắng nghe thông khí hai bên phổi để đảm bảo đã đưa nội khí quản vào đúng vị trí.
Máy thở bắt đầu hoạt động, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi dần trở về mức bình thường. Nguy hiểm vừa qua đi, tiếng chuông cảnh báo lại vang lên từ phía lồng ấp đối diện.
Trường hợp sinh non nhất đang được điều trị tại phòng Hồi sức chào đời ở tuần thứ 25, cân nặng 700g. Em bé gặp tình trạng nhiễm trùng E.coli đa kháng từ mẹ. Bên cạnh đó, hiện trẻ phải thở CPAP nhu cầu oxy tương đối cao, nuôi ăn hoàn toàn qua đường tĩnh mạch rốn.
Mở cửa lồng ấp, điều dưỡng Cấn Thị Bình nhẹ nhàng điều chỉnh tư thế nằm của bệnh nhi. Em bé sinh cực non gần như nằm lọt thỏm trong bàn tay của "blouse trắng".
15 năm công tác tại Khoa Sơ sinh, điều dưỡng Bình cho biết để chăm sóc tốt những bệnh nhân tí hon không chỉ cần kỹ năng, mà còn phải có đặt vào từng thao tác tình yêu thương và sự tâm huyết.
"Các con xa mẹ từ khi lọt lòng nên hơn ai hết chúng tôi cần phải là gia đình của các con để bù đắp sự thiệt thòi. Chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Chỉ riêng vấn đề dinh dưỡng, mỗi ngày trung bình các con ăn đến 8 bữa.
Vài tiếng một lần chúng tôi lại điều chỉnh tư thế ngủ để đảm bảo các con được thoải mái nhất", điều dưỡng Bình chia sẻ.
Theo điều dưỡng Bình, đối với trẻ sinh non, phải tạo môi trường chăm sóc giống ở trong tử cung nhất có thể, để tối ưu hóa phát triển thần kinh cho các con. "Phòng chăm sóc cần hạn chế ánh sáng, tiếng ồn, giữ em bé nằm gọn trong ổ cuốn để trẻ có cảm giác được bảo vệ", nữ điều dưỡng nói.
Khu vực chăm sóc bà mẹ Kangaroo, một bé trai đang nằm say giấc trên lồng ngực mẹ. Người mẹ trẻ cố gắng thở từng nhịp thật khẽ để con ngon giấc, đôi mắt không rời con, lộ rõ vẻ hạnh phúc.
Khoảnh khắc an yên này được đánh đổi bằng một cuộc chiến rất dài, đầy rẫy những sóng gió của cả gia đình và các y bác sĩ.
Tại phòng Hồi sức sơ sinh, có thể phải cần vài tuần đến vài tháng với sự nỗ lực của y bác sĩ cũng như nghị lực sống phi thường, bệnh nhi mới có thể vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Sau đó nếu các con ổn định không phải thở máy và nuôi ăn tĩnh mạch mới được chuyển sang khu vực sau hồi sức tiếp tục điều trị, trước khi trở về với vòng tay mẹ trong khu chăm sóc bà mẹ Kangaroo.
Xuyên suốt hành trình này, người mẹ cũng phải trải qua một cuộc chiến tâm lý hết sức căng thẳng. Đó là những phút giây lo lắng, thấp thỏm chờ đợi nhận tin con khi con nằm tại khu hồi sức.
"Chúng tôi đón các bé sinh non từ khi vừa lọt lòng mẹ còn rất non nớt và yếu đuối , trải qua một hành trình dài với đích đến cuối cùng là đưa các con trở về với vòng tay cha mẹ thật khỏe mạnh và bình an.
Một em bé sinh ra đời an lành trọn vẹn đã là một phép màu. Một em bé sinh non qua bao gian nan, vất vả mới đến tay cha mẹ còn hơn cả một điều kỳ diệu. Đó cũng là món quà lớn nhất của các nhân viên y tế chúng tôi", Trưởng khoa Sơ sinh bày tỏ.