Hành trình hơn 2 tháng vượt "cửa tử" của bệnh nhân Covid thứ 19
(Dân trí) - Sau hơn 2 tháng phải nhập viện để điều trị Covid-19, bệnh nhân 19 (bác của bệnh nhân 17) đã hồi phục kì diệu, có thể vẫy tay chào mọi người, dù trước đó đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch.
Bà L.T.H sinh năm 1956 là bác ruột của bệnh nhân 17. Sau khi bệnh nhân 17 được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tối 6/3, bà H. cùng anh D.Đ.P (lái xe riêng của gia đình) là các trường hợp tiếp xúc gần đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngay trong buổi tối cùng ngày.
Ngày 7/3, qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo, bà H. dương tính với virus SARS-CoV-2, bà H. trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 19 của Việt Nam.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 19, với bệnh nền là rối loạn tiền đình, đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch.
Ngày 19/3, do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên bệnh nhân này được chỉ định can thiệp ECMO (kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo), trước đó, bệnh nhân cũng đã được đặt thở máy và lọc máu.
Đến ngày 4/4, vì tình trạng của bệnh nhân có tiến triển tốt lên nên được được dừng ECMO và chuyển sang thở máy. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi cai ECMO, bác gái bệnh nhân 17 lại trở nặng, 3 lần ngừng tuần hoàn. Dưới sự hỗ trợ hội chẩn từ các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực, cấp cứu, hô hấp…các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ước đã tích cực cấp cứu điều trị, đến ngày 9/4, tình trạng bệnh nhân đã tạm ổn định.
Ngày 29/4, sau 54 ngày nằm viện, trong đó có 44 ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân 19 được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, đã vượt qua những giai đoạn khó khăn, các biểu hiện lâm sàng như khí máu, X-quang phổi đều đã tốt lên.
Bệnh nhân 19 cai được máy thở từ ngày 4/5. Lúc này, bà H. đã chuyển từ tình trạng nguy kịch sang tình trạng nặng, tỉnh táo, có thể giao tiếp.
Ngày 10/5, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân 19 hồi phục tốt, giao tiếp tốt, phổi thông khí rõ, không ran, kiểm soát huyết áp tốt. Đáng chú ý, lúc này bệnh nhân đã có thể tự túc ăn cơm, uống nước.
Đến chiều 11/5, bệnh nhân 19 đã có thể vẫy tay, trò chuyện với mọi người. Ban ngày, bà H. đã có thể tự thở khí phòng, chỉ phải thở oxy kín 11/p vào chiều tối.
Nhớ lại giai đoạn bệnh tình đột ngột diễn biến xấu, bà kể: “Lúc nhập viện sức khỏe tôi ổn định, ăn uống bình thường nhưng khoảng 10 ngày sau, khi đang xem TV vào buổi tối, tôi mê đi lúc nào không biết. Đến khi tỉnh dậy tôi đã phải thở oxy, nằm trong phòng có các dụng cụ. Cơ thể của tôi lúc đó rất yếu, không còn sức lực gì”.
Theo chia sẻ của con trai bệnh nhân 19, việc bà hồi phục tốt khiến gia đình rất vui mừng, bởi thời gian vừa qua rất lo lắng sức khỏe của bà. Thậm chí, trong giai đoạn bà có nhiều lần ngừng tuần hoàn, mọi người trong gia đình đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng, tất cả chỉ biết đặt niềm tin vào sự cứu chữa của bác sĩ.
“Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên trò chuyện với bà để tinh thần bà tốt hơn hơn. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của các y, bác sĩ, chúng tôi cũng tập cho bà đi lại mỗi ngày một ít vừa để tay chân khỏe, vừa giúp bà hít thở không khí”, con trai bà H. cho biết.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, bà đã có hành trình hồi phục kỳ diệu, vượt qua nguy kịch, ngày xuất viện đã tới rất gần.
Đến thời điểm hiện tại, đây là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị nhiều nhất ở nước ta. Qua hơn 2 tháng điều trị, đã không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, phải đặt ECMO, lọc máu. Nhưng với sự theo dõi sát sao, điều trị tích cực, tình trạng hiện tại của bệnh nhân rất tốt, đã qua nguy kịch.
Minh Nhật