Hai bệnh nhi tổn thương tim gan, rối loạn đông máu nặng vì sốt xuất huyết
(Dân trí) - Hai bệnh nhi được đưa đến Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng sốc, người gồng cứng. Bệnh nhi trải qua quá trình điều trị căng thẳng, có những lúc tưởng không thể vượt qua.
Ngày 10/8, BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, 2 trường hợp sốc, biến chứng nguy kịch của sốt xuất huyết đã vượt qua nguy kịch.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi N.T.L.M. (15 tuổi), được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ở ngày thứ 7 của bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh nhi về quê ở Thái Bình, bị sốt cao, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Bé liên tục sốt cao đến 39 độ trong 5 ngày, sang ngày thứ 6 bệnh nhi giảm sốt, nổi phát ban ngoài da, chảy máu chân răng, mệt mỏi ăn uống kém.
Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển xuống phòng cấp cứu, tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, rồi chuyển sang Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai).
BS Phạm Công Khắc cho biết, bệnh nhi được chuyển tới viện trong tình trạng sốc xuất huyết rất nặng. Ngay lập tức, ê-kíp trực khẩn trương tiến hành cấp cứu bệnh nhân.
"Bệnh nhi M. được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên tình trạng của bệnh nhi M. vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều. Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Vận dụng mọi biện pháp tối ưu nhất nhưng sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, trẻ tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng trẻ vẫn tím, SpO2 chỉ 60-70%, hút nội khí quản có ít máu tươi", BS Phạm Văn Hưng cho biết.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, diễn biến bệnh nhi M. rất nguy kịch. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, chụp X-quang tim, phổi tại giường thì thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng, EF chỉ còn 28-30%.
"Bệnh nhi bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp, vấn đề đặt ra cho bác sĩ điều trị là phải cân nhắc giữa bù dịch nhanh trong sốc do huyết tương bị thoát mạch nhưng phải hạn chế dịch do viêm cơ tim cấp, chức năng tim bị giảm rất nặng", TS Nam thông tin.
Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, trẻ ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau một tháng điều trị, bệnh nhi M. vừa được xuất viện với chức năng các cơ quan trở về giới hạn bình thường.
Ca bệnh thứ 2 là bé Tuệ T. (13 tuổi) cũng tương tự như trường hợp bệnh nhi M., bị suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài việc điều trị chống sốc, bệnh nhi này còn phải hội chẩn đa chuyên khoa Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và nhét Merocel cầm máu. Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.
Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng: suy gan và suy thận chiếm 0,33%, suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%, suy gan và suy tim chiếm 2%.
TS Nam cảnh báo, các ca sốt xuất huyết tại Miền Bắc bắt đầu tăng lên. Là căn bệnh phổ biến, nhưng mọi người tuyệt đối không chủ quan, cần theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện biến chứng nguy hiểm.
Khi bị sốt xuất huyết, xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau cần đến bệnh viện khám ngay:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Khó thở.