PhotoStory

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc

Thực hiện: Minh Nhật - Minh Nhân

(Dân trí) - Trẻ mắc tay chân miệng có thể bị đồng nhiễm, bội nhiễm mầm bệnh khác dẫn đến tình trạng tăng nặng và khó điều trị hơn.

Sau 3 ngày bị sốt cao liên tục 39 độ C, bé N.K.T., 3 tuổi, sống tại Hoàng Mai (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện triệu chứng co giật nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 1

Qua thăm khám các bác sĩ xác định bệnh nhi bị tay chân miệng độ 2B nhóm một (giai đoạn bệnh bắt đầu diễn biến nặng phải nhập viện điều trị).

Khoang miệng T. cũng xuất hiện nhiều ổ viêm loét, triệu chứng điển hình của bệnh. Tình trạng này khiến cháu bé ăn uống rất ít vì đau.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 2

Theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa Dinh dưỡng - Lây, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi T. có tình trạng giật mình liên tục. Đây là triệu chứng kích thích thần kinh. Do đó, các bác sĩ đã điều trị an thần đường tiêm.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi thuyên giảm.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 3

Từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng ca bệnh tay chân miệng vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có dấu hiệu gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi Tiêu hóa Dinh dưỡng - Lây tiếp nhận 2-4 bệnh nhi tay chân miệng.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 4

Các bệnh nhi chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến dưới 5 tuổi. Trường hợp nhỏ tuổi nhất mà đơn vị này tiếp nhận trong thời gian gần đây là 6 tháng tuổi.

"Tay chân miệng thường gặp ở các cháu nhỏ do vệ sinh kém/chưa biết vệ sinh. Với các trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đa phần đều do lây chéo từ anh/chị đã đi học và bị nhiễm bệnh", BS Nhân cho hay.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 5
Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 6

Đáng nói, theo chuyên gia này, trẻ mắc tay chân miệng có thể bị đồng nhiễm, bội nhiễm mầm bệnh khác dẫn đến tình trạng tăng nặng và khó điều trị hơn. Theo thống kê sơ bộ, có đến 30% trường hợp bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại khoa bị bội nhiễm.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 7

"Bệnh nhi ban đầu chỉ bị nhiễm virus tay chân miệng nhưng thời gian sau lại nhiễm tác nhân khác dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm phế quản hoặc bệnh lý đường ruột. Các ổ loét trong khoang miệng hay các mụn nước nhỏ trên da do tay chân miệng chính là vị trí để vi khuẩn, virus khác thâm nhập vào", BS Nhân phân tích.

Như trường hợp bé T., sau 5 ngày điều trị gần như đã hết các triệu chứng tay chân miệng. Tuy nhiên, hiện tại, cháu bé bị bội nhiễm viêm phế quản phổi.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 8

Bên cạnh giường bệnh của T. là bé N.L.K., 14 tháng tuổi cũng gặp tình trạng bội nhiễm.

"Ở nhà, cháu bị sốt và nổi nốt ở chân, tay. Đến tối, cháu xuất hiện thêm triệu chứng giật mình nên gia đình chúng tôi đưa con đi viện luôn. Sau 5 ngày điều trị, bé hết tay chân miệng thì lại tiếp tục bị sốt virus, rồi xuất hiện triệu chứng đi ngoài", mẹ bé K. chia sẻ.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 9

Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 14/7 đã ghi nhận 961 ca tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đáng nói, nhiều ca tay chân miệng nhiễm chủng virus nguy hiểm Entero virus 71 (EV71) thường khiến bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng và có thể tử vong.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 10

Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh và nhận biết những dấu hiệu cần nhập viện là rất quan trọng.

Theo BS Nhân, khi thấy trẻ xuất hiện một trong các triệu chứng: sốt cao liên tục trên 39 độ khó hạ, giật mình từ 2 cơn trong 30 phút, chân tay run rẩy đi loạng choạng, li bì, bỏ ăn hoặc các bất thường khác cần đưa đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị. Tránh nguy cơ diễn tiến nặng.

Hà Nội: Trẻ nổi mụn nước chi chít, co giật vì dịch đã có gần 1.000 ca mắc - 11

"Trẻ mắc tay chân miệng độ 3-4 nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm não, viêm não tủy, có thể dẫn đến hôn mê, ngừng thở, ngừng tuần hoàn", BS Nhân phân tích.

Để phòng tránh tay chân miệng, theo BS Nhân, hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu của bệnh này, vì vậy trẻ cần được chú trọng việc vệ sinh thân thể, hỗ trợ sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý.

Đặc biệt thực hiện tiêm chủng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng nhằm tránh sự đồng nhiễm, bội nhiễm các vi khuẩn và virus khác.