1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội nhận thêm hơn 400.000 liều Sinopharm

Minh Nhật Nam Phương

(Dân trí) - Ngày 13/9, Hà Nội nhận thêm 418.200 liều vắc xin Vero Cell (hay Sinopharm). Số vắc xin này sau đó được phân bổ cho 13 quận, huyện.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) mới đây đã có quyết định phân bổ vắc xin phòng Covid-19, trong đó cấp cho TP Hà Nội 418.200 liều vắc xin Vero Cell (hay Sinopharm).

Sau đó, Sở Y tế TP đã phân bổ số vắc xin này cho 13 quận, huyện; nhiều nhất là quận Bắc Từ Liêm với hơn 63.000 liều. Nguyên tắc phân bổ dựa trên các tiêu chí về tiến độ tiêm, ưu tiên cho các quận, huyện vùng một và theo tỷ lệ người dân cần được tiêm theo dân số từ 18 tuổi trở lên cần tiêm sau khi đã trừ số vắc xin còn tồn để tiêm mũi một và số để tiêm mũi hai. 

Hà Nội nhận thêm hơn 400.000 liều Sinopharm - 1

Trước đó, TP đã được nhận gần một triệu liều vắc xin Sinopharm. Những ngày qua, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ tiêm nhằm sớm đạt diện bao phủ cho người trên 18 tuổi.

Bộ Y tế cũng cho biết đang cố gắng điều tất cả các nguồn, tăng cường nhập khẩu để đảm bảo vắc xin cho TP Hà Nội có thể tiêm đủ cho người dân, và tiếp tục tiêm đủ mũi 2 cho người đã tiêm mũi một.

Theo WHO, vắc xin Sinopharm được khuyến cáo tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, với 2 mũi. Thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy 2 liều, cách nhau 21 ngày có hiệu quả 79% trong việc phòng ngừa nhập viện.

Vắc xin được tiêm theo lịch 2 liều (0,5 ml) tiêm bắp. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa hai liều tiêm là 3-4 tuần.

Nếu liều thứ hai được tiêm dưới 3 tuần sau liều đầu, thì không cần phải lặp lại liều này nữa. Nếu việc tiêm liều thứ hai bị hoãn sau 4 tuần, cần tiêm sớm nhất khi có thể. Khuyến cáo là mọi cá nhân được tiêm vắc xin đều được tiêm đủ 2 liều. 

Các nhóm được ưu tiên tiêm chủng bao gồm:

Lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21/NQ-CP;

Người mắc bệnh mạn tính (theo danh sách bệnh nhân mạn tính quản lý tại các bệnh viện, trung tâm y tế);

Phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa;

Người trên 65 tuổi;

Người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng;

Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố;

Người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố;

Các nhóm đối tượng khác căn cứ vào lượng vắc xin được phân bổ.

Đến tối 13/9, toàn thành phố đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP được 4.728.739 mũi tiêm (mũi một: 4.325.619, mũi 2: 403.120), đạt tiến độ 80,6% trên tổng số vắc xin được cấp.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 15/9 thực hiện tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi và xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên địa bàn