1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Một con chó dại cắn liên tiếp 6 người

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mê Linh (Hà Nội), vừa qua đã có 6 người trên địa bàn cùng bị một con chó cắn, trong đó, 5 người có tại xã Mê Linh và một người ở xã Hoàng Kim.

Con chó được xác định thuộc một gia đình tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện con chó dương tính với virus dại.

Sau khi vụ việc xảy ra, Trung tâm y tế huyện Mê Linh đã phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương xã Mê Linh tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc bùng phát dịch dại.

Một trong những biện pháp đó là tổ chức lớp truyền thông phòng chống bệnh dại tại thôn Liễu trì, xã Mê Linh.

Hà Nội: Một con chó dại cắn liên tiếp 6 người - 1

Con chó được xác định thuộc một gia đình tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (Ảnh: Getty).

Đến ngày 27/6, 18 con chó quanh khu vực con chó dại đã được tiêu hủy. Cơ quan chức năng cũng tiêm vaccine dại, tiêm vét cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng, hết miễn dịch, mới nhập nuôi, mới lớn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y...

6 người bị chó dại cắn đã được điều trị dự phòng như tiêm vaccine phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại trên người, tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong quý I năm 2023, cả nước đã có 23 ca tử vong do bệnh dại.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn, giám sát, phòng chống và điều trị dự phòng bệnh dại.

Với mong muốn các giảng viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn có thể truyền đạt, tập huấn cho các học viên để tham mưu, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh dại phù hợp với tình hình địa phương…

Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh dại trên địa bàn cũng như thực hiện tốt công tác phòng chống, điều trị dự phòng bệnh dại.

Vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn. Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại.

Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi người dân bị chó cắn việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng.

Thứ hai, khi bị chó cắn (nếu chó của nhà nuôi) nên nhốt con chó lại để theo dõi vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn nên chủ động đi tiêm phòng ngay.

Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong. 

Việt Nam có luật Thú y quy định chó nuôi không được thả rông ngoài đường, khi ra đường thì phải đeo rọ mõm. Tuy nhiên, ở nước ta người dân không tuân thủ. Vì thế, việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như thế nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên. 

Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi, người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được. 

Để phòng chống bệnh dại, ngành y tế cũng nhấn mạnh, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng, chống bệnh dại.

Ngoài ra, không thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo. Thực hiện diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.