Người phụ nữ tử vong vì vết cắn của chó nhà cách đây 3 tháng

Minh Nhật

(Dân trí) - Cách thời điểm vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 38 tuổi, ở Vĩnh Phúc đến viện trong tình trạng sợ nước, sợ gió.

Cách thời điểm vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn. Bệnh nhân bị trầy xước vùng cánh tay bên phải. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng. 5 ngày sau con chó đã cắn đứt xích và chạy sang nhà hàng xóm, có biểu hiện hung dữ và bị người dân đánh chết.

Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh, tiếng động. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị một ngày nhưng tình trạng không cải thiện, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được làm xét nghiệm và có kết quả khẳng định bệnh dại.

Người phụ nữ tử vong vì vết cắn của chó nhà cách đây 3 tháng - 1

Cách thời điểm vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn (Ảnh: Getty).

Sáng hôm sau, bệnh nhân có kích thích tăng lên, các bác sĩ đã giải thích tình trạng bệnh nhân, gia đình xin về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Để phòng tránh bệnh dại, TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Khi người dân bị chó cắn việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng.

Thứ hai, khi bị chó cắn (nếu chó của nhà nuôi) nên nhốt con chó lại để theo dõi vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn nên chủ động đi tiêm phòng ngay.

TS Hùng nhấn mạnh: "Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó nên đi tiêm phòng đầy đủ cho chó. Nếu cho chó đi ra ngoài nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng".

Theo bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn. Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại.

Dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam có luật Thú y quy định chó nuôi phải như thế nào, không được thả rông ngoài đường, khi ra đường thì phải đeo rọ mõm. Tuy nhiên, ở nước ta người dân không tuân thủ. Vì thế, việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như thế nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên. 

Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi, người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được. 

Để phòng chống bệnh dại, ngành y tế cũng nhấn mạnh, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng, chống bệnh dại.

Ngoài ra, không thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo. Thực hiện diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.