Hà Nội: Ca Covid-19 bất ngờ tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải thở oxy
(Dân trí) - Theo chuyên gia, có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại.
Số ca Covid-19 ghi nhận mới trên cả nước đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 10/4, cả nước ghi nhận 113 ca Covid-19. Trong đó, Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu cả nước về số ca Covid-19 mới.
Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày vừa qua, số bệnh nhân Covid-19 vào viện gia tăng mạnh.
Cụ thể, theo BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó đơn nguyên Truyền nhiễm, trong thời gian tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân. Tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.
Vấn đề đáng lo ngại hơn là số bệnh nhân nội trú đang tăng lên. Trong tháng trước, chỉ có 1-2 bệnh nhân phải nhập viện, nhưng hiện tại đã có khoảng 10 bệnh nhân điều trị nội trú. Đa số những bệnh nhân này đều phải hỗ trợ thở oxy, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và có bệnh nền.
"Riêng trong ngày hôm nay, chúng tôi tiếp nhận 10 bệnh nhân. Trong số này có cụ bà 102 tuổi. Một số ca, sau khi thăm khám chúng tôi xác định có triệu chứng nhẹ đã được cho về nhà. Với các trường hợp có triệu chứng nặng như suy hô hấp, có yếu tố nguy cơ sẽ được theo dõi tại viện", BS Hưng cho hay.
Theo chuyên gia này, so với đợt trước, bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch, nhưng số bệnh nhân nhập viện tương đối nặng, đa phần các bệnh nhân đều phải thở oxy.
"Có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại. Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch tăng lên", BS Hưng nhận định về nguyên nhân bệnh nhân Covid-19 gia tăng đột biến thời gian gần đây.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo số liệu thống kê mới nhất, hiện có 74 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy gọng kính.
Phía bệnh viện cũng ghi nhận sự gia tăng của ca Covid-19 trong thời gian gần đây. Bệnh nhân có các triệu chứng ban đầu như: ho sốt, mệt mỏi… chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trước tình hình Covid-19 gia tăng, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, có hiệu quả. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Hà Nội cũng tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các nhóm đối tượng: trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một sự kiện y tế công cộng sang bệnh lưu hành. Chúng ta cần phải tính toán khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì các hoạt động phòng chống dịch sẽ tiếp tục như thế nào. Đồng thời vẫn phải giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù Covid-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vaccine vì vẫn có nhiều người tử vong.