1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Bùng phát dịch sởi ở trẻ em

(Dân trí) - Sau 3 năm không xuất hiện dịch, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có khoảng 40 bệnh nhi dương tính với sởi. Trong số này, nhiều bệnh nhi mắc sởi do gia đình bỏ tiêm vắc xin. Giám đốc TT Y tế dự phòng xác nhận dịch sởi quay trở lại Hà Nội.

Sốt phát ban do không tiêm phòng sởi?

Sau 8 ngày chăm con sốt cao liên tục đến gần 40 độ, chị Lê Cẩm Tân (Quận Hai Bà Trưng) giờ mới hoàn hồn khi con vừa dứt sốt. Một mình chăm con không xuể, chị phải huy động cả ông ngoại hỗ trợ vì bé liên tục sốt cao, đau mắt, đi ngoài, quấy khóc.

Bệnh nhi sốt phát ban dạng sởi sau 8 ngày mới dứt sốt. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhi sốt phát ban (nghi sởi) sau 8 ngày mới dứt sốt. Ảnh: H.Hải

Chị Tân cho biết, con chị là bé Nguyễn Thanh Vân (13 tháng tuổi) bị sốt từ hôm 29 Tết. Chị đã đưa con tới viện khám, bác sĩ cho về theo dõi sốt vi rút. Sau 4 ngày sốt cao 39 - 40 độ liên tục, đến ngày mùng 4, thấy con xuất hiện nhiều nốt ban, quấy khóc nhiều hơn, bỏ ăn… chị đưa con đến khám tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) và được chỉ định nhập viện theo dõi. Sau 3 ngày nằm viện, đến chiều 6/2 con mới dứt sốt.

“Con sốt sình sịch, mắt mũi kèm nhèm, rồi liên tục đi ngoài, không chịu ăn uống, quấy khóc, người nổi nốt đỏ rực, thương con bao nhiêu, mẹ lại thêm ân hận, giận mình bấy nhiêu vì không cho con đi tiêm phòng. Mình bỏ lỡ mũi tiêm vắc xin sởi một phần vì con hay ốm, một phần cũng vì thời gian qua, có nhiều ca tử vong liên quan đến tai biến sau tiêm vắc xin. Chứng kiến 8 ngày con ốm sốt cao, mình thắt từng khúc ruột, chỉ mong con nhanh khỏi”, chị Tân cho biết.

Ngay giường kế bên, bé Lưu Tú Anh (2 tuổi, quận Hai Bà Trưng) Hà Nội cũng đang lăn lộn kêu khóc. Chiều mùng 5/2, bé được gia đình đưa tới viện sau 3 ngày sốt cao liên tục. “Thấy con phát ban, đi ngoài mình đưa vào viện, bác sĩ yêu cầu nhập viện. Mình cũng nghĩ con sốt vi rút thông thường, không ngờ con lại bị sởi. Chắc con bé khó chịu lắm nên mới quấy khóc ngằn ngặt thế. Mình cũng không cho con tiêm mũi vắc xin sởi”, chị Đỗ Tuyết Lan, mẹ bé Tú Anh cho biết.
Dấu hiệu của sởi là sốt cao, viêm kết mạc, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân... Ảnh: H.Hải
Bệnh nhi có biểu hiện sốt cao, viêm kết mạc, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân... Ảnh: H.Hải

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây có ngày Khoa tiếp nhận 15-20 trẻ bị sốt phát ban (nghi sởi) đến khám, phần lớn là bệnh nhi sống ở Hà Nội. Nhiều trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng sởi do bố mẹ lo ngại các tai biến sau tiêm vắc- xin xảy ra trong năm qua.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trong tổng số 40 ca sởi đã được xét nghiệm khẳng định dương tính tại Hà Nội có tới 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vắc xin sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Nguy cơ dịch lan rộng

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội xác nhận, tại Hà Nội đang xảy ra dịch sởi ở trẻ em, sau 3 năm không có dịch.

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, từ 1/1 đến 6/2/2014, đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó đã có 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Cuối tháng 12/2013 cũng có 10 trường hợp dương tính với sởi được xác định.

Trong số này, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi. Số bệnh nhân tập trung đông nhất là tại BV Xanh Pôn với 55 trường hợp, tiếp đến là bệnh viện Nhi TƯ 20 trường hợp, bệnh viện Nhiệt đới TƯ 7 trường hợp, Bạch Mai 2 trường hợp...

40% bệnh nhi mắc sởi là do chưa được tiêm phòng. Ảnh: H.Hải
40% bệnh nhi mắc sởi là do chưa được tiêm phòng. Ảnh: H.Hải

Theo TS Cảm, trong những tuần gần đây tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong khi đó với tính chất lây lan (lây qua đường hô hấp) nên có nguy cơ dịch vẫn tiếp tục lan rộng. Do đó TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra lấy mẫu triệt để để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống. Hơn nữa, với 40% ca mắc sởi do chưa tiêm phòng, ông Cảm cho rằng việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động cho con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, hiện tại Hà Nội và Sơn La đã 2 ca tử vong do sởi. Ngoài ra, nhiều ổ dịch sởi đã xuất hiện tại các địa phương: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, phần lớn người mắc là trẻ dưới 15 tuổi. Nguyên nhân do chất lượng tiêm và số lượng tiêm vắc-xin phòng sởi chưa được bao phủ đầy đủ. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch chưa đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, vì thế, cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi.

TS Dũng cho biết bệnh sởi bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

 

Vi rút sởi gây bệnh làm suy giảm miễn dịch khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy.

 

Vì thế, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm long (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ)… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

 

Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.

Hồng Hải