Hà Nội: 2 dịch bệnh nguy hiểm tấn công trường học

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi sốt xuất huyết hạ nhiệt, Hà Nội lại có 2 dịch bệnh có diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng gấp đôi so với tuần trước.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua Thủ đô ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với tuần trước (34 ca). Đáng chú ý, thành phố ghi nhận 4 ổ dịch ở trường mầm non tại: Hoàng Mai (2, mỗi ổ 2 trường hợp), Đan Phượng (1 ổ có 2 trường hợp), Thạch Thất (1 ổ với 10 trường hợp).

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Triệu chứng của bệnh là các vết phát ban nhỏ đỏ ở lòng bàn tay, lòng đầu ngón tay, lòng bàn chân, cổ họng, lưỡi và niêm mạc miệng, thường đi kèm với đau đầu, sốt và mệt mỏi.

Hà Nội: 2 dịch bệnh nguy hiểm tấn công trường học - 1

Phân bố số trường hợp mắc tay chân miệng theo tuần năm 2021-2023 (Ảnh: CDC Hà Nội).

Như vậy cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 248 ca mắc tay chân miệng; không ghi nhận ca tử vong; số ca mắc tăng 183 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, Hà Nội cũng đã phát hiện 8 ổ dịch tay chân miệng, trong đó có 4 ổ dịch đang hoạt động.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, ca mắc tay chân miệng tăng cao nhưng phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh tay chân miệng, thủy đậu cũng là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Cụ thể, theo thống kê của CDC Hà Nội, chỉ riêng tuần qua toàn thành phố đã có 166 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp đôi so với tuần trước (86 ca).

Thành phố tiếp tục ghi nhận một số chùm ca bệnh tại: mầm non Chu Minh, Ba Vì (12 trường hợp), mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp, Phúc Thọ (9 trường hợp), tiểu học Ngô Thì Nhậm, Tả Thanh Oai, Thanh Trì (20 trường hợp), mầm non Hạ Bằng, Thạch Thất (12 trường hợp).

Cộng dồn năm 2023, Hà Nội có 800 ca mắc thủy đậu, chưa có ca tử vong; số ca mắc năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ 2022 (11/0).

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, ThS.BS Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI nhận định, số bệnh nhân thủy đậu gia tăng như hiện nay là rất đáng ngại.

Hà Nội: 2 dịch bệnh nguy hiểm tấn công trường học - 2

Nhiều dịch bệnh đang "tấn công" trẻ em (Ảnh: Mạnh Quân).

"Hàng năm Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca bệnh kéo dài từ mùa đông sang tháng 3, tháng 4 là đỉnh dịch. Có thể thấy rằng qua số liệu CDC Hà Nội, dịch bệnh đang gia tăng so với hàng năm. Rõ ràng dịch đúng chu kỳ nhưng số mắc tăng lên rất nhiều. Có lẽ khí hậu thời tiết ẩm ướt hiện nay là điều kiện để bệnh phát triển mạnh", BS Hạnh cho hay.

Chuyên gia này nhấn mạnh, từ diễn biến của dịch thủy đậu có thể nhận thấy nhiều nguồn lây đang có sẵn trong cộng đồng. Do đó, những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm.

CDC Hà Nội nhận định, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, đã ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm