Hàng trăm người vào viện ở TPHCM vì mắc thủy đậu, có ca suýt chạy ECMO

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong số hàng trăm ca vào bệnh viện ở TPHCM "cầu cứu" vì mắc bệnh thủy đậu, có những trường hợp biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch suýt phải chạy ECMO.

Thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, nơi đây đã tiếp nhận hơn 330 trường hợp vào viện vì mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, cả bệnh nhân khám và nhập viện đều có sự gia tăng vào hai tháng cuối của quý 1.

Hàng trăm người vào viện ở TPHCM vì mắc thủy đậu, có ca suýt chạy ECMO - 1

Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Cụ thể, theo số liệu của phòng Kế hoạch tổng hợp, số bệnh nhân thủy đậu đến bệnh viện khám trong tháng đầu năm là 87 ca, nhưng qua tháng 2 và tháng 3 đều có hơn 120 ca/tháng. Về nhập viện, nếu tháng 1 chỉ có 6 ca, thì tổng cộng hai tháng tiếp theo là 31 trường hợp.

Trong số 37 ca thủy đậu nhập viện, có 4 trường hợp gặp biến chứng nặng.

Nặng nhất là trường hợp của anh H.V.T. (28 tuổi, ngụ Tân Uyên, Bình Dương), nhập viện ngày 23/3. Theo bệnh sử, trước đó bệnh nhân đang khỏe mạnh thì xuất hiện tình trạng đau nhức người, sốt, sau đó nổi các bóng nước. Vì nghĩ bệnh thông thường, bệnh nhân tự ra tiệm mua thuốc về uống nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng tệ hơn.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đi 3 bệnh viện, trước khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM khi đã biến chứng nặng, suy hô hấp cấp giảm oxy (ARDS), viêm phổi. Bệnh nhân diễn tiến rất nhanh, có thời điểm suy hô hấp nặng, phải tính đến việc chạy ECMO (hồi sinh tim phổi nhân tạo) vì tính mạng nguy kịch.

Hàng trăm người vào viện ở TPHCM vì mắc thủy đậu, có ca suýt chạy ECMO - 2

Nam bệnh nhân mắc thủy đậu biến chứng nặng, suýt phải chạy ECMO (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau thời gian điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh, đặt nội khí quản thở máy, dùng thuốc đặc trị thủy đậu acyclovir, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, các bóng nước trên người sạch, phổi cải thiện tốt và đang dần tiến đến cai máy thở. Tuy nhiên, vì phải sử dụng nhiều biện pháp điều trị và lại không có bảo hiểm y tế, đến nay tổng viện phí của anh T. tại các bệnh viện đã lên đến hàng trăm triệu đồng, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, thời điểm hiện nay đang bước vào mùa bệnh thủy đậu. Nhiều người cho rằng bệnh này không nguy hiểm, tuy nhiên trong tháng 3, khoa đã tiếp nhận đến 3 trường hợp có biến chứng nặng.

Theo bác sĩ, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, bệnh nhân ung thư, thai phụ… sẽ có nguy cơ trở nặng khi mắc thủy đậu. Vào năm 2022, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từng tiếp nhận một trường hợp thai phụ mắc thủy đậu biến chứng nặng, phải điều trị kéo dài.

Hàng trăm người vào viện ở TPHCM vì mắc thủy đậu, có ca suýt chạy ECMO - 3

Các bác sĩ cảnh báo người dân cần chú ý các triệu chứng nghi ngờ của thủy đậu, khi bệnh đã bắt đầu vào mùa (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh thủy đậu lây nhiễm qua các bóng nước, từ lúc nổi lên đến lúc lặn đều có thể lây. Những ngày đầu phát bệnh chỉ có biểu hiện sốt, không nổi bóng nước ngay, nên người dân dễ nhầm lẫn với sốt phát ban hoặc các bệnh thông thường khác mà không đi khám sớm.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người khi thấy sốt cao, phát ban, da nổi mẩn… cần đi bệnh viện kiểm tra sớm để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, không chủ quan còn trẻ, có sức khỏe mà không mua bảo hiểm y tế, vì khi diễn tiến nặng, bệnh nhân sẽ mất rất nhiều tiền để điều trị. Với người thân, khi chăm sóc người nhà mắc thủy đậu phải chú ý vệ sinh mũi họng, thay quần áo, rửa tay kỹ, bảo hộ cẩn thận để tránh lây nhiễm.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương, trong tuần gần nhất (từ ngày 24-31/3) đã ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca. Dù gia tăng mạnh nhưng đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca tử vong vì thủy đậu.