Hà Nội: Dịch thủy đậu "tấn công" nhiều trường học
(Dân trí) - Trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 548 ca thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Dịch thủy đậu gia tăng ở trường học
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 548 ca thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Đa phần bệnh nhân thủy đậu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0).
Riêng trong tuần qua, huyện Chương Mỹ ghi nhận 23 ca thủy đậu. Thông tin được một lãnh đạo ngành y tế huyện Chương Mỹ trao đổi với PV Dân trí sáng 21/3.
Huyện cũng ghi nhận thêm một ổ dịch mới tại Trường mầm non Phú Nghĩa. Trước đó, huyện Chương Mỹ cũng đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại một số cơ sở giáo dục như: Trường tiểu học Văn Võ, Trường mầm non Đồng Lạc.
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trạm y tế các xã đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.
CDC Hà Nội nhận định, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho,…; có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.
Dự báo gia tăng dịch lây qua đường hô hấp
Trong tuần qua, Hà Nội chỉ phát hiện 8 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc giảm 6 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Thủ đô có tổng cộng 172 ca mắc, chưa có ca tử vong; số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (9 ca mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 24/30 quận, huyện, thị xã; 113/579 xã, phường, thị trấn.
Về dịch tay chân miệng, Hà Nội ghi nhận 34 ca bệnh trong tuần, giảm 3 trường hợp so với tuần trước (37/0). Cộng dồn 2023, thành phố có 151 ca mắc; 0 tử vong; số ca mắc tăng 151 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (0/0).
Theo CDC Hà Nội, trong tuần số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm so với tuần trước, phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
Thời gian tới, CDC Hà Nội dự báo các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp như cúm, ho gà, sởi, adenovirus có thể gia tăng.
Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm, để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.