Hà Nội: 116 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động

Minh Nhật

(Dân trí) - CDC Hà Nội khuyến cáo, dù số mắc sốt xuất huyết ghi nhận giảm ở 3-4 tuần trở lại đây song vẫn ở mức cao, vì vậy người dân không được chủ quan.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã (giảm 239 ca so với tuần trước đó).

Kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy tại bể chứa nước sinh hoạt của hộ gia đình.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (272 ca), Thanh Oai (191 ca), Phú Xuyên (160 ca), Đống Đa (132 ca). Về số ổ dịch, trong tuần ghi nhận 49 ổ dịch tại 14 quận, huyện, thị xã, giảm 20 ổ dịch so với tuần trước.

Hà Nội: 116 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động - 1

Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Nhân).

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 35.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (14.445).

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.619 ca), Thanh Oai (2.300 ca), Hoàng Mai (2.294 ca), Phú Xuyên (2.201 ca), Đống Đa (2.060), Thanh Trì (1.849).

Tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 1.878 ổ dịch, hiện còn 116 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, thị xã.

CDC Hà Nội tăng cường triển khai theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch.

Đơn vị này cũng tiếp tục giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại xã Việt Long (huyện Sóc Sơn), phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan.

CDC Hà Nội khuyến cáo, dù số mắc sốt xuất huyết ghi nhận giảm ở 3-4 tuần trở lại đây song vẫn ở mức cao, vì vậy người dân không được chủ quan.

Theo khuyến cáo, bệnh nhân sốt xuất huyết cần tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cần cho nhập viện điều trị.

Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn, uống được.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều.

- Tay chân lạnh.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

- Không tiểu trên 6 giờ.

- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.