1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gói gia vị - thành phần không thể thiếu trong mỳ ăn liền?

(Dân trí) - Mỗi gói mỳ ăn liền đều có các gói gia vị đi kèm. Và chính các gói gia vị đã tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn quen thuộc này.

Gói gia vị có hại không?

Mỳ ăn liền là một món ăn phổ biến, phù hợp với hơi thở của nhịp sống hiện đại, được nhiều người yêu thích. Gói gia vị chính là “linh hồn” tạo nên hương vị làm “vấn vương” người tiêu dùng của mỳ gói. Thế nhưng, không ít người vẫn có tâm lý sợ gói gia vị có trong mỳ ăn liền.

Chị Trần Thị Hường – trú tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội tâm sự chị ở nhà trông hai bé sinh đôi hơn 2 tuổi. Việc chăm con rất bận nên trong nhà lúc nào cũng có thùng mì tôm để vợ chồng cùng ăn.

Chị Hường cho biết thêm, nấu mì ăn liền cùng với rau trứng vừa tiện, vừa đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, điều chị Hường lo lắng là gần đây nghe một số người bạn nói gói súp gia vị trong mì ăn liền chứa nhiều bột ngọt, cần hạn chế sử dụng. Bán tín, bán nghi nên khi chế biến, chị bỏ hẳn các gói súp bột lẫn súp sệt, thậm chí cả gói dầu và cho muối, hạt nêm, dầu ăn vào thay nhưng ăn nhạt nhẽo, không ra được hương vị của món mì mà chị yêu thích.

Vì lầm tưởng, nhiều người tiêu dùng đã làm “mất chất” mì ăn liền khi bỏ đi các gói gia vị thơm ngon và an toàn
Vì lầm tưởng, nhiều người tiêu dùng đã làm “mất chất” mì ăn liền khi bỏ đi các gói gia vị thơm ngon và an toàn

Trong khi người tiêu dùng lo lắng thì thực tế, các chuyên gia cho rằng các gói gia vị đều an toàn cho sức khoẻ. Bình thường, gói gia vị của mì ăn liền gồm các gói nhỏ: gói súp bột, súp sệt, gói dầu sa tế, gói rau sấy. Một số loại mì cao cấp còn có thêm gói tôm thịt để giúp món mì ăn liền ngon và dinh dưỡng hơn. Thành phần các gói gia vị này đều được nhà sản xuất công bố và ghi rõ trên bao bì sản phẩm, bao gồm cả nguyên liệu có khả năng gây dị ứng cho một số đối tượng nhất định (nếu có).

Gói gia vị an toàn đến mức nào?

Trao đổi về vấn đề gói súp bột và súp sệt toàn bột ngọt, bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: “Để tạo nên gói súp bột, nhà sản xuất sẽ phối trộn các nguyên liệu đường, muối, chất điều vị, tiêu, ớt, tỏi… Còn đối với gói súp sệt, nhà sản xuất sử dụng phương pháp nấu cô đặc các loại nguyên liệu tươi như: xương bò/heo/gà, các loại hải sản như tôm, cá, sò… cùng các loại gia vị như muối, đường, nước tương, nước mắm… Trong đó, hàm lượng bột ngọt được tính toán đạt chuẩn, theo đúng quy định của luật an toàn thực phẩm”.

Người tiêu dùng cũng không nên có tâm lý cứ nhắc tới bột ngọt là lo sợ bởi theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, bột ngọt là muối sodium của axit glutamic, một trong hơn 20 loại acid amin kiến tạo nên protein trong cơ thể, có tác dụng tăng vị ngon của món ăn. Chất này có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, sữa và nhiều loại rau quả (cà chua, đậu Hà Lan, bắp, cà rốt…) đồng thời cũng được các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới nghiên cứu sâu rộng và cho ra kết quả an toàn nếu không quá lạm dụng.

Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng gói gia vị mì ăn liền đã được kiểm soát về các thành phần nguyên liệu
Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng gói gia vị mì ăn liền đã được kiểm soát về các thành phần nguyên liệu

Khi mới ra đời, mì ăn liền không có gói rau sấy hay gói thịt. Về sau, nhà sản xuất thêm hai gói này cho tô mì đẹp mắt hơn, góp phần tăng giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền. Theo đó, các loại nguyên liệu tươi như rau củ tươi, thịt, trứng, hải sản… sẽ được sấy khô bằng công nghệ sấy chân không hoặc sấy thăng hoa nhằm giúp các loại nguyên liệu này hoàn nguyên, giữ được đúng hương vị thơm ngon khi cho nước sôi vào.

Liên quan tới gói dầu trong mì ăn liền, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Gói dầu trong mì ăn liền thường được gọi là dầu sa tế. Để làm dầu sa tế, người ta thường dùng những loại gia vị như ớt cay, hạt tiêu, hành tím, tỏi và dùng dầu thực vật có chất lượng cao để nấu ở nhiệt độ thấp với mục đích chiết xuất được những chất tạo vị, mùi và mầu từ nguyên liệu tự nhiên. Dầu sa tế thường có vị cay, mùi thơm rất dặc trưng và màu vàng da cam đậm rất đẹp. Khi cho dầu sa tế vào, bát mì sẽ có màu sắc hấp dẫn và hương vị rất đặc trưng. Túi dầu hoàn toàn đảm bảo về an toàn thực phẩm vì trong quá trình sản xuất, mọi yếu tố về công nghệ và nguyên liệu đều được kiểm soát rất chặt chẽ.

Gói gia vị từ các thương hiệu mì ăn liền uy tín đều được kiểm soát nghiêm ngặt về chất và lượng
Gói gia vị từ các thương hiệu mì ăn liền uy tín đều được kiểm soát nghiêm ngặt về chất và lượng

Theo đại diện Acecook Việt Nam, một trong những công ty sản xuất mì ăn liền Nhật Bản gắn với nhiều thương hiệu thân quen với người tiêu dùng như Hảo Hảo, Modern, Đệ Nhất, Lẩu Thái… thì việc sản xuất gói gia vị của công ty luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, tất cả nguyên liệu như xương heo, hành lá, rau củ quả, tiêu, ớt… để sản xuất gói gia vị đều tươi mới, được lựa chọn kỹ càng cùng những kiểm tra khắt khe về các chỉ tiêu cảm quan, hóa lý, vi sinh, kiểm tra chỉ tiêu không biến đổi gen (Non GMO), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, giới hạn độc tố vi nấm… để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, công ty cũng không ngừng nghiên cứu hương vị đặc trưng trong ẩm thực từ các vùng miền để tạo nên các gói gia vị giúp hoàn chỉnh vị ngon của tô mì theo khẩu vị của người Việt Nam.

Thực tế, nếu bỏ thiếu một trong số các gói gia vị đi kèm sẽ làm giảm độ ngon và hương vị đặc trưng của món mì ăn liền. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì, bà nội trợ có thể chế biến món ngon dễ dàng trong 3 phút. Ngoài ra, để gói mì ngon hơn, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn, người dùng có thể chế biến mì ăn liền cùng các loại rau xanh, củ quả, thịt, tôm, trứng… tùy sở thích.

Thúy Hồng