1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giám sát chặt chẽ hơn các khâu trong tiêm chủng

(Dân trí) – Sau sự cố 1 cháu bé tử vong sau khi tiêm vac-xin tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố chính thức kết quả sau điều tra vào chiều qua (7/7). Sau sự cố này, ngành y tế sẽ giám sát chặt hơn nữa các khâu trong tiêm chủng.

Văcxin Priorix sẽ tiếp tục được lưu hành

 

Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế một lần nữa tái khẳng định các công bố trước đó: Vac-xin không phải là nguyên nhân gây nên nhiễm trùng dẫn đến tử vong cho trẻ. Nguyên nhân chính gây lên tử vong ở trẻ là do tụ cầu vàng. Hai nhân viên y tế có mang tụ cầu vàng giống với chủng ở vết tiêm của những trẻ bị nhiễm và trẻ bị tử vong nhưng vẫn chưa thể xác định tụ cầu vàng lây theo đường nào.

 

PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đánh giá, đây là một sự cố hy hữu, ngẫu nhiên giữ người y tá tiêm và đứa trẻ được tiêm. Những người y tá tiêm chủng cho trẻ đã thực hiện những quy định đảm bảo an toàn  tiêm chủng nhưng vẫn có sự lây nhiễm tụ cầu vàng từ người y tá sang trẻ được tiêm.

 

Đại diện WHO cho rằng, trong môi trường bệnh viện luôn tồn tại nhiều loại virus, vi khuẩn, những người trong bệnh viện, không loại trừ các nhân viên y tế là người mang vi khuẩn đó từ nơi này sang nơi khác. Ông cũng khẳng định các ca phản ứng sau tiêm ở TPHCM là hiếm.

 

Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, với các ca phản ứng sau tiêm này càng cần xem xét lại quy trình thực hiện vệ sinh cũng như khử khuẩn như thế nào. Đồng thời khuyến nghị các cơ sở y tế thực hiện đúng theo các quy trình vệ sinh và khử khuẩn.

 

Ông Huấn cho biết, các kết quả xét nghiệm bước đầu của Viện kiểm định Quốc gia vac-xin sinh phẩm y tế về vac-xin Priorix là an toàn, đạt yêu cầu, không phải là nguyên nhân gây tai biến cho trẻ. Sau kết luận của hội đồng, Bộ y tế sẽ cho vac-xin Priorix tiếp tục được sử dụng. Cục Y tế dự phòng sẽ ra văn bản chính thức gửi 64 tỉnh thành để tiếp tục triển khai các hoạt động tiêm chủng.

 

Trách nhiệm của ngành y tế đến đâu?

 

Ông Trịnh Quân Huấn cho biết, sau khi có kết luận này, Bộ Y tế sẽ giao cho Sở y tế TPHCM kiểm tra, xem lại về các quy trình và trách nhiệm của y tế quận 5 với trường hợp này là như thế nào? Dựa vào kết luận cuối cùng, ngành Y tế sẽ xử trí theo quy định của pháp luật. Nếu trong trường hợp mà có những sai sót nhất định thì phải chịu trách nhiệm trước những tai biến này.

 

Ông cũng nhấn mạnh: “Những vấn đề về an toàn tiêm chủng đã được Bộ y tế và chương trình tiêm chủng quốc gia đưa ra từ nhiều năm nay. Nhưng sau sự cố ngoài ý muốn này, chắc chắn chúng tôi càng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu trong tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho người dân”.

 

Bốn tháng đầu năm 2006, cả nước trung bình mỗi tháng có 115.800 trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vac-xin, trong đó TPHCM có khoảng 7.300 trẻ được tiêm chủng.

 

Đến tháng 5, khi xảy ra sự cố 6 trẻ bị phản ứng nặng sau khi tiêm vac-xin, trong đó một trẻ đã tử vong thì số trẻ ở TPHCM được tiêm vac-xin giảm xuống, chỉ có 5.781 trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Còn thống kê trên cả nước trong tháng 5, số trẻ được tiêm chủng là không thay đổi với con số 117.400 trẻ được tiêm chủng.  

Hồng Hải