Giám đốc Sở ATTP TPHCM cảnh báo thói quen nguy hiểm khi ăn bánh mì mùa nóng
(Dân trí) - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhận định, dù bánh mì có đạt hết tất cả các chuẩn mà người mua không ăn liền, đem về để ngoài trời nắng nóng thì ăn vào cũng có thể gây đau bụng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2, vừa khai mạc tối 17/5, Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, cơ quan này sẽ tham gia vào thành phần Ban tổ chức, có lực lượng kiểm tra và trực ở Lễ hội (do Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Giám sát ngộ độc thực phẩm đảm trách).
Cụ thể, tất cả các thành phần làm nên bánh mì đều phải được kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, bao gồm cả pate, giăm bông (thịt nguội), dưa chua, không để thực phẩm bán trôi nổi trà trộn vào.
Kế đến, mỗi ngày cơ quan chức năng sẽ lấy ngẫu nhiên các mẫu thực phẩm tại Lễ hội để làm kiểm nghiệm. Nếu cơ sở nào sử dụng đồ ôi thiu, để trong tủ lạnh qua ngày không đảm bảo sẽ bị xử phạt…
Dù vậy theo bà Phong Lan, vấn đề phòng ngừa chỉ mang tính tương đối. "Nếu bánh mì có đạt hết tất cả các chuẩn mà người mua không ăn liền, đem về để ngoài trời nắng nóng thì ăn vào cũng có thể sẽ đau bụng. Cho nên vấn đề còn nằm ở ý thức người tiêu dùng", bà Lan nêu.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng nhận định, những ngày gần đây TPHCM xuất hiện mưa, thời tiết có dấu hiệu mát hơn, là hy vọng nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ được giảm bớt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch TPHCM, có tổng cộng 85 đơn vị và 131 gian hàng đăng ký tham dự Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2, bao gồm các công ty bánh kẹo và nhiều thương hiệu bánh mì nổi tiếng như đến từ khắp nơi trên cả nước, để mang đến nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm.
Để đảm bảo an toàn cho những ngày diễn ra Lễ hội (17-19/5), ngoài vấn đề ATTP, công tác an ninh trật tự cũng được chú trọng, với sự phối hợp của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã xây dựng và triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Trong đêm khai mạc, Lễ hội cũng trao tặng 25 xe bánh mì khởi nghiệp cho Hội Phụ nữ của 5 địa phương (Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, TPHCM) nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
Đến tham dự Lễ hội, một số người dân cho biết rất thích ăn bánh mì, nhưng lo ngại sau những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây (trong đó có vụ ngộ độc bánh mì khiến hàng trăm người đi cấp cứu ở Đồng Nai), nên rất cảnh giác khi lựa chọn bánh mì kẹp. Nhiều trường hợp thậm chí yêu cầu người bán không bỏ bơ, pate và dưa chua vào bánh mì.
Liên quan đến vụ 19 sinh viên ký túc xá ở TP Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, đến nay tất cả các bệnh nhân sau khi được chăm sóc y tế đều có sức khỏe ổn định và đã xuất viện.
Sau khi nắm thông tin, Phòng Y tế TP Thủ Đức đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, kiểm nghiệm mẫu lưu thực phẩm tại căng tin ký túc xá... Tuy nhiên vì các bệnh nhân hầu hết có triệu chứng nhẹ và ăn uống nhiều nguồn, nên đến nay vẫn chưa có thể kết luận được nguyên nhân gây ra sự việc.
Trước đó như Dân trí đã thông tin, từ hơn 22h ngày 8/5 đến 2h30 ngày 9/5, có tổng cộng 19 sinh viên được đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với các triệu chứng như đau bụng cấp, tiêu chảy, nôn ói.
Qua thống kê, 19 sinh viên nêu trên chủ yếu đang ở ký túc xá khu A và khu B thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, 1 trường hợp ở ký túc xá Đại học Ngân hàng TPHCM. Khai với bác sĩ, các em cho biết chiều tối trước khi nhập viện có ăn cơm ở căng tin một tòa nhà ký túc xá khu B, Đại học Quốc gia TPHCM.
Bước đầu tổ công tác Sở Y tế TPHCM nhận định đây là một trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cùng với Trung tâm y tế Thành phố Thủ Đức và Sở An toàn thực phẩm đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Hoàng Lê - Anh Thư