1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sữa mẹ hiến tặng - nguồn "thức ăn" quý giúp cứu sống nhiều trẻ

Nam Phương

(Dân trí) - Với trẻ đẻ non, có bệnh lý, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng không chỉ là "thức ăn" mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc điều trị cho trẻ. Nó giúp giảm tỷ lệ trẻ bị viêm ruột hoại tử, xơ hóa phổi…

Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời, nó cũng là can thiệp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa tử vong và bệnh tật trẻ em. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân không được tiếp cận sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời.

Nghiên cứu trên toàn cầu đã chỉ ra tác dụng vượt trội của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong điều trị cho trẻ sinh non, nhẹ cân.

Trong đó, tỷ lệ viêm ruột hoại tử đã giảm tới 46% so với trẻ dùng sữa công thức. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm với trẻ non tháng, nhẹ cân, dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Sữa mẹ hiến tặng - nguồn thức ăn quý giúp cứu sống nhiều trẻ - 1

Mạng lưới ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam bao gồm năm ngân hàng sữa mẹ và hai ngân hàng sữa mẹ vệ tinh (Ảnh ngân hàng sữa mẹ đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương).

Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt ở trẻ. Não bộ của trẻ được bảo vệ tốt hơn, ít tổn thương hơn so với trẻ chỉ được nuôi bằng sữa công thức.

Ngoài ra, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong 28 ngày đầu đời so với sữa công thức. Trẻ đẻ non nuôi dưỡng bằng nguồn sữa này có khả năng dung nạp tốt hơn, ít nôn, ít ứ sữa, và giảm tiêu chảy so với trẻ nuôi bằng sữa công thức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong số những ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, cứ năm trẻ thì có một trẻ tử vong vì sinh non. Khi trẻ không có cơ hội tiếp cận với sữa mẹ ruột, việc hiến tặng sữa mẹ cho các ngân hàng sữa là giải pháp có thể phòng ngừa những cái chết thương tâm này. 

Vì thế, bắt đầu từ năm 2004, ngày 19/5 được chọn là Ngày Hiến tặng Sữa mẹ Thế giới. Sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử hiến tặng sữa và các bà mẹ hảo tâm đã trao dòng sữa của mình tới những trẻ kém may mắn không có cơ hội ăn sữa mẹ đẻ.

Trong đó, trẻ sinh non, nhẹ cân, có bệnh lý là nhóm chiếm tỷ lệ cao, do trẻ thường phải điều trị tách mẹ, không được bú mẹ trực tiếp, hoặc mẹ quá căng thẳng khi con phải điều trị nên khó tạo đủ sữa.

Hiện nay, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam bao gồm năm ngân hàng sữa mẹ và hai ngân hàng sữa mẹ vệ tinh. Trước đó, ngày 16/5, Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng cũng khai trương 6 phòng nuôi con bằng sữa mẹ trong khuôn viên sân bay và trở thành cảng hàng không đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này. 

Sữa mẹ hiến tặng - nguồn thức ăn quý giúp cứu sống nhiều trẻ - 2

Phòng nuôi con bằng sữa mẹ tại sân bay Đà Nẵng (Ảnh: BT).

Bên cạnh phòng mẹ và bé sẵn có ở sân bay, Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng lắp đặt thêm các phòng nuôi con bằng sữa mẹ ở gần cổng ra vào và ghế chờ, giúp bà mẹ cho con bú hoặc vắt sữa thuận tiện. Phòng nuôi con bằng sữa mẹ được bố trí gần khu vực rửa tay nhưng cách xa nhà vệ sinh, có tường cách âm để hạn chế tiếng ồn và được trang bị bàn ghế ngồi thoải mái.

Ông Paul Zambrano, Quyền Giám đốc Alive & Thrive Đông Á Thái Bình Dương, cho biết: "Đầu tư vào nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là đầu tư về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, mà còn là đầu tư vào giá trị kinh tế và môi trường". 

Nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo nền tảng dinh dưỡng, sức khỏe và sự sống còn của bà mẹ và trẻ em, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh cấp và mãn tính ở mẹ và trẻ. Vượt qua giá trị dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ còn đóng góp đáng kể cho sự phát triển của xã hội, mang lại giá trị kinh tế tương đương gần 4 nghìn tỷ đô la hàng năm cho toàn cầu và góp phần giảm thiểu lượng khí thải carbon.