Lương giáo viên sau 1/7 sẽ cao hơn lương cũ dù cắt phụ cấp thâm niên
(Dân trí) - Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tiền lương của giáo viên sau ngày 1/7 chắc chắn cao hơn lương cũ.
Nhiều giáo viên lo lắng lương mới theo đề án cải cách tiền lương dự kiến áp dụng từ 1/7 sẽ thấp hơn lương hiện tại vì bị cắt phụ cấp thâm niên.
Song, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - khẳng định không có chuyện này. "Thầy cô yên tâm là lương mới chắc chắn sẽ cao hơn lương cũ", ông Đức nói.
Tại tọa đàm về dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 17/5, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, nhà giáo vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Mức phụ cấp của giáo viên thuộc nhóm ngành nghề có phụ cấp cao nhất cùng với bác sĩ.
Theo bảng lương giáo viên hiện nay, lương giáo viên được tính theo bậc và hạng, thấp nhất là 3,129 triệu đồng và cao nhất 10,102 triệu đồng.
Ngoài lương, giáo viên nhận các khoản phụ cấp khác như phụ cấp thâm niên (tối thiểu 5% sau 5 năm công tác), thâm niên vượt khung, ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp theo chức vụ và vị trí công tác… Các khoản phụ cấp này khác nhau giữa các khu vực kinh tế xã hội.
Từ ngày 1/7, cơ cấu tiền lương mới của giáo viên sẽ thay đổi. Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm 30% tổng quỹ lương. Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên.
Phụ cấp mới dành cho giáo viên gộp ba khoản phụ cấp: ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của giáo viên trường tư sẽ không thấp hơn giáo viên công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Các chính sách hỗ trợ bao gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo.