Giám đốc Sở ATTP TPHCM: "Chỉ công an có súng đến, người bán tự phát mới sợ"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Sở An toàn thực phẩm TPHCM xác định là một phần của công tác y tế dự phòng. Bà cũng tiết lộ việc "đau đầu" nhất trong hoạt động giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có cải thiện, nhưng chưa ở mức tốt nhất

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị ngày 30/12, bà Phạm Khánh Phong Lan, tân Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, trong những năm qua, tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) của địa phương có nhiều khởi sắc.

Thứ nhất, công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh vì có đội ngũ của Ban Quản lý ATTP thí điểm trước đây, số lượng kiểm tra cũng tăng lên, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Thứ hai là tiêu chí về số vụ ngộ độc thực phẩm, khi giảm cả về quy mô số lượng và người mắc. Bà Phong Lan chia sẻ, trong những năm ngày qua, Ban quản lý ATTP TPHCM tập trung rất nhiều trong vấn đề phòng chống ngộ độc, đặc biệt ở bếp ăn tập thể của nhà trường, công ty, xí nghiệp.

Giám đốc Sở ATTP TPHCM: Chỉ công an có súng đến, người bán tự phát mới sợ - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan (thứ hai, từ trái sang), Giám đốc Sở An toàn thực phẩm đầu tiên trên cả nước (Ảnh: TC).

Tuy nhiên, dù số lượng các vụ ngộ độc giảm nhưng những trường hợp ngộ độc hy hữu vẫn xảy ra, như ngộ độc rượu gây chết người. Hay ngộ độc botulinum chưa thể kết luận cơ chế cụ thể do sản phẩm nào gây ra, khi xảy ra thì không có thuốc cấp cứu, nên đã có người tử vong.

Ngoài những chùm ngộ độc cấp tính, còn có ngộ độc trường diễn, là những độc chất được người tiêu dùng sử dụng và tích tụ trong cơ thể mấy chục năm mới phát ra. Bà Phong Lan đánh giá, công tác phòng chống ngộ độc còn phải làm nhiều việc.

Tiêu chí thứ 3 là thực phẩm sạch phải càng ngày càng được gia tăng, bằng chuỗi thực phẩm an toàn do những doanh nghiệp sản xuất ban đầu đăng ký tham gia. Qua kiểm nghiệm của Ban Quản lý ATTP, số lượng mẫu lấy càng tăng nhưng số vi phạm càng giảm. Điều này cho thấy tình hình có cải thiện, nhưng chưa ở mức tốt nhất.

Bà Phong Lan cũng chia sẻ điều "đau đầu" nhất khi chính thức trở thành tân Giám đốc Sở ATTP đầu tiên trên cả nước. Đó là vấn đề buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối.

"Nói thật, buôn bán tự phát chỉ có công an, có súng đến thì họ mới sợ. Chuyện này địa phương cần quan tâm. Thành phố đã lập tổ công tác đặc biệt lo vấn đề chợ tự phát xung quanh, nhưng chúng ta cũng cần phải tuyên truyền làm sao để người dân ủng hộ chợ đầu mối, buôn bán có hóa đơn chứng từ rõ ràng", bà Phong Lan nói.

Giám đốc Sở ATTP TPHCM: Chỉ công an có súng đến, người bán tự phát mới sợ - 2

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra nguồn gốc thịt heo tại chợ đầu mối (Ảnh: NT).

Một vấn đề khác mà bà Phong Lan lo lắng là buôn bán online, khi nhiều người "quảng cáo lên tận trời" chất lượng sản phẩm. Có những trường hợp sau khi khách hàng mua, người bán dẹp trang web và bỏ chạy mất.

Do đó, lãnh đạo Sở ATTP TPHCM lưu ý những người mua bán thực phẩm trên mạng phải đáp ứng việc đăng ký kinh doanh, tự công bố sản phẩm tuân thủ quy trình kiểm nghiệm, để cơ quan quản lý có sự hậu kiểm sau đó.

"Nghe tên Sở An toàn thực phẩm thật là sung sướng"

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khi đã có tư cách là Sở ATTP, cơ quan của bà sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, cũng như sẽ được cơ quan cấp trên, cơ quan chủ quản quan tâm hơn.

Trong năm 2024, Sở ATTP TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP, không để khoảng trống xảy ra trong thời gian chuyển giao. Song song đó, Sở cũng có kế hoạch để công tác thực hiện đảm bảo ATTP nâng lên một tầm cao hơn.

Giám đốc Sở ATTP TPHCM: Chỉ công an có súng đến, người bán tự phát mới sợ - 3

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, ngành an toàn thực phẩm xác định là một phần của công tác y tế dự phòng (Ảnh: Hoàng Lê).

Cụ thể, Sở ATTP TPHCM sẽ phối hợp với các sở ban ngành, để đẩy mạnh đảm bảo thực phẩm sạch từ nguồn. Đặc biệt, tiến tới đảm bảo đầu ra, bắt buộc thực phẩm tại TPHCM phải đạt chuẩn theo quy định. Ngoài ra, tìm cách mở rộng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phân phối sản phẩm.

"Chúng ta tiến bộ, chúng ta cố gắng cải thiện thì tình hình ATTP thực tế lại càng phát triển phức tạp hơn. Đối với ngành y tế, chúng tôi xác định là một phần của công tác y tế dự phòng. Không có gì phòng chống dịch bệnh hay bằng sức đề kháng, sức khỏe của mỗi con người.

Nghe tên Sở ATTP thấy thật là sung sướng. Xin cảm ơn các cấp, sở ban ngành Thành phố, các hội nghề nghiệp đã luôn tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.

Mong mọi người tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, vì ATTP và người dân", bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.

6 nhiệm vụ trọng tâm của Sở ATTP TPHCM

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và đảm bảo công tác ATTP thời gian tới, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Lãnh đạo Sở ATTP phối hợp các Sở, ngành liên quan tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức của Sở và triển khai ngay các công việc đảm bảo ATTP, đặc biệt là đảm bảo ATTP cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông về ATTP, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định.

Thứ tư, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, gắn TPHCM và các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đảm bảo ATTP với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn.

Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm