Hà Nội phát hiện hơn 9.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Tú Anh

(Dân trí) - Trong 8 tháng, Hà Nội lập hơn 800 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Các đoàn đã kiểm tra được hơn 71.500 cơ sở, phát hiện hơn 9.000 cơ sở vi phạm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Trong 8 tháng của năm 2023, Hà Nội đã lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra, ráo riết kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Hà Nội phát hiện hơn 9.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm - 1

Bếp ăn tập thể tại một trường học thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm (Ảnh: D.L).

Theo báo cáo, đã có 71.557 cơ sở được thanh kiểm tra, hậu kiểm, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 87,2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm.

Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.

Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, Hà Nội tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Theo Sở Y tế Hà Nội, công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được triển khai theo 2 hình thức là đột xuất hoặc định kỳ theo tháng, quý, năm.

Mục tiêu là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Có thể truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt là ở các trường học, trường mầm non luôn tiềm ẩn nguy cơ.

Có 5 nguyên nhân chính gây nên ngộ độc cho trẻ.

- Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật

- Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chứa độc tố. Nguyên liệu chủ yếu cho chế biến thực phẩm là thực vật và động vật

- Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do các quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm.

- Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do các chất phụ gia.

- Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Trẻ em, đặc biệt trẻ em lứa tuổi mầm non, có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện vì thế dễ dàng bị ngộ độc thức ăn tập thể nếu thức ăn không đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm. Trẻ độ tuổi mầm non bị ngộ độc thường rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, vì thế, phụ huynh và nhà trường cần chú ý vào khẩu phần ăn của con trẻ.

Vì vậy, khi lựa chọn trường học cho con, phụ huynh cần kiểm tra trực tiếp cơ sở vật chất của nhà trường, đặc biệt là khu vực nhà bếp. Bếp đạt chuẩn sẽ giúp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường mầm non.

- Bếp ăn trường mầm non phải đảm bảo được thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều.

- Có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.

- Vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh

- Gian bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến: khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa…

- Dụng cụ chế biến thức ăn phải được phân loại sống, chín riêng biệt

- Kiểm tra nguồn nước có đảm bảo chất lượng không?

- Nhân viên nhà bếp phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề

Trong quá trình cho con theo học, phụ huynh cũng nên kiểm tra thường xuyên gian bếp của nhà trường:

- Cách bảo quản thức ăn của gian bếp

- Nhân viên nấu trong bếp có thực hiện đầy đủ các nguyên tắc: rửa tay trước khi nấu, mặc đồ bảo hộ lao động..

- Nguồn gốc thực phẩm nhà trường nhập về, phải có giấy kiểm định cụ thể

Bên cạnh việc chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm đến từ nơi chế biến và nguyên liệu, người lớn cần chú ý cho trẻ vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn để tránh bị ngộ độc, thực hiện ăn chín uống sôi.

Bố mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn quà vặt, quà bánh có màu sắc khác lạ, sặc sỡ; Không mua hàng bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng...