Giá thuốc tây: Mạnh ai nấy tăng

Những ngày gần đây, có hàng trăm mặt hàng thuốc ngoại và thuốc nội bán trên thị trường đua nhau tăng giá với lý do mọi chi phí đầu vào đều tăng.

  

Giá thuốc tây: Mạnh ai nấy tăng - 1


Về thuốc ngoại, trình dược viên của Công ty Zuellig Pharma thông báo cho các nhà thuốc biết từ ngày 21/3 có năm mặt hàng của Công ty Bayer sản xuất tăng giá bán từ 11-22% là Becozyme IM 2ml từ 116.550 đồng/hộp lên 133.100 đồng (đã có VAT), Bepanthen 2ml từ 59.955 đồng/hộp lên 73.100 đồng, Berocca Eff từ 62.685 đồng lên 69.800 đồng, Canesten từ 50.820 đồng/hộp lên 74.200 đồng, Redoxon từ 34.755 đồng/hộp lên 39.600 đồng.

 

Thuốc ngoại tăng giá 10-20%

 

Các thuốc ngoại nhập khác tăng trung bình 6-10% như Decolgen tăng từ 70.000 đồng/hộp lên 75.000 đồng, Supradyn từ 58.000 đồng/hộp lên 68.000 đồng, Lysopain ngậm từ 36.000 đồng/hộp lên 40.000 đồng. Các thuốc đường tiêu hóa nhập khẩu cũng tăng giá, đơn cử như Air-X drops trị sình bụng, đầy hơi ở trẻ em.

 

Ngoài ra, Công ty cổ phần dược phẩm Phú Thọ cũng thông báo kể từ hôm nay 25/3, có ba mặt hàng của Công ty Baxco Pharmaceutical (Mỹ) sản xuất sẽ tăng giá từ 11-13%. Đó là các thuốc Omega-3 1.000mg, Kidmega và Envision.

 

90% thuốc nội lên giá

 

Theo nguồn tin riêng, Trung tâm phân phối dược phẩm Codupha mới gửi báo cáo đến cơ quan chức năng về tình hình giá thuốc. Theo báo cáo này, các thuốc ngoại và thuốc nội đều tăng giá. Đáng lưu ý là có đến 90% mặt hàng thuốc VN mua bán tại trung tâm sỉ tăng giá bán.

 

Đơn cử một số mặt hàng có giá tăng (giá bán sỉ) tại Trung tâm phân phối dược phẩm Codupha là các loại kháng sinh Lincocin 500mg từ 62.000 đồng/hộp 100 viên lên 76.000 đồng (tăng 22,5%), Amoxycline 500mg từ 50.000 đồng/hộp 100 viên lên 55.000 đồng (tăng 10%), Erythromycin 500mg từ 115.000 đồng/hộp 100 viên lên 135.000 đồng (tăng 17,3%).

 

Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến - nhà phân phối độc quyền các sản phẩm viên bổ sủi bọt Plusssz tại VN - thông báo đã tăng giá đến 13% đối với sáu mặt hàng.

 

Giải thích với các khách hàng về lý do tăng giá, công ty này nói: “Do áp lực tỉ giá tăng cao liên tục giữa EUR và VND, cộng thêm sức ép các chi phí nội địa như bán hàng, hậu cần và vận tải đều tăng cao, công ty buộc phải quyết định tăng giá bán”.

 

Một nhà thuốc tư nhân tại Q.Phú Nhuận cho biết Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà (nhà nhập khẩu thuốc Neocodion, loại hộp 20 viên, Pháp sản xuất) đồng ý bán cho các nhà thuốc tư nhân với giá “bình ổn” là 59.400 đồng/hộp (giá tháng 12-2010) với điều kiện các nhà thuốc khi mua 50 hộp Neocodion phải mua kèm một hộp Stimol (hộp 18 gói) với giá 115.000 đồng/hộp.

 

Điều đáng nói là thuốc Stimol rất khó bán trên thị trường và hạn sử dụng của thuốc này chỉ còn đến tháng 4/2011.

 

Nhà thuốc này cho biết do Neocodion là mặt hàng bán chạy nên nhiều nhà thuốc phải bấm bụng mua kèm Stimol về rồi... bỏ. Thành ra gọi là mua thuốc giá rẻ nhưng thực chất một hộp Neocodion phải mua với giá 62.000 đồng/hộp.

 

Trình dược viên của Công ty AustraPharm cũng báo với các nhà thuốc từ 21/3 tăng giá bán 5,8-22% đối với 10 mặt hàng. Đơn cử như thuốc bổ Ausad từ 15.720 đồng/hộp lên 18.000 đồng (đã có VAT); thuốc đặc trị tiểu không kiểm soát, tiểu lắt nhắt Genurin (Ý sản xuất) từ 151.200 đồng/hộp lên 165.300 đồng; kháng sinh AMK 625mg (Thái Lan) từ 94.500 đồng/hộp lên 115.500 đồng.

 

Mạnh ai nấy tăng

 

Một công ty trách nhiệm hữu hạn tại Trung tâm bán sỉ dược phẩm Q.10 cho biết hiện nay 90% mặt hàng thuốc nội, ngoại giao dịch mua bán tại trung tâm này tăng giá từ 10.000-30.000 đồng/đơn vị.

 

Theo công ty này, những công ty phân phối lớn của VN cũng như nước ngoài dù không chính thức tăng giá nhưng do thiếu hàng nên 90% mặt hàng thuốc lên giá. Mức tăng giá trung bình 5-7% và việc tăng giá này rộ lên từ đầu tháng 3 đến nay. Hầu hết các công ty kinh doanh thuốc, các quầy bán thuốc trong Trung tâm dược phẩm Q.10 mua qua mua lại đều báo miệng là giá lên chứ không ai ra bảng báo giá chính thức.

 

Lý giải về việc giá thuốc tăng trên diện rộng hiện nay, nhiều công ty cho hay là do tình hình chung: giá điện tăng, xăng dầu tăng, đôla tăng, nguyên vật liệu, phụ liệu sản xuất, vận chuyển... tăng!

 

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện sở đang gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch bình ổn giá thuốc để trình UBND TP ký ban hành.

 

Đánh giá về tình hình giá thuốc hiện nay, bà Phong Lan cho biết hiện giá thuốc tại các bệnh viện TP vẫn ổn định do được đấu thầu. Số lượng hồ sơ kê khai lại giá của các doanh nghiệp sản xuất thuốc nộp về sở cũng không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, với những biến động của thị trường tiền tệ, tín dụng, giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí sản xuất gia tăng tại VN và trên thế giới đã có tác động đến giá thuốc hiện nay.

 

Hiện Sở Y tế TPHCM đã phối hợp cùng các sở ngành liên quan tiến hành nhiều giải pháp để giữ bình ổn thị trường thuốc, không để xảy ra hiện tượng thiếu thuốc, thuốc tăng giá đồng loạt, tăng bất hợp lý.

 

Trong tình hình kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, chống đầu cơ tích trữ, tự ý nâng giá, Nhà nước phải bảo đảm nguồn dự trữ thuốc cho điều trị, đặc biệt là các thuốc đặc trị, và bảo đảm cung cấp cho hệ thống bệnh viện, không để bệnh nhân thiếu thuốc...

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ