Đà Nẵng: Nỗi lo giá thuốc tăng
(Dân trí) - Mặc dù có các phương án bình ổn giá thuốc, kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá. Thế nhưng giá thuốc vẫn biến động đến mức “chóng mặt” với mức tăng lên đến 87% và xuất hiện tình trạng niêm yết nhiều giá thuốc cho 1 loại thuốc.
Với giá thực phẩm và dược phẩm tăng mạnh, người dân lo không biết lấy tiền đâu khi bị bệnh
Dân lo…
Cầm trên tay chai dầu gió hiệu Trường Sơn, anh Lê Quang Cường (phường Hòa Cường) than thở: Trước mua chai dầu có 10.000 đồng, giờ đã tăng lên 14.000 huống chi là các thứ thuốc khác. Tôi chỉ là dân lao động bình thường, chỉ sợ bệnh xuống không biết có đủ tiền mua thuốc mà điều trị không nữa”.
Còn chị Hà tính toán: “Lọ thuốc Becberin điều trị bệnh đau bụng là loại rẻ tiền nhất, trước có 5.000 đồng giờ đã 7.000 rồi, như thế là tăng lên 40%. Xoay xở thế nào nếu trong nhà có người ốm???”.
Khảo sát thị trường cho thấy, một hộp thuốc Glutamin B6 (100 viên) tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng, thuốc ho Lavenka tăng từ 17.000 lên 22.000 đồng, dầu gấc Vina tăng từ 35.000 lên 45.000 đồng; thuốc bổ Beroca (10 viên/ống) tăng từ 64.000 lên 69.000…
Và theo các nhà cung cấp và phân phối thuốc, giá thuốc Đông dược đã tăng 15-20%, tân dược sản xuất trong nước tăng trung bình 20-50%, còn nhóm nhập khẩu tăng trung bình khoảng 5% so với cách đây 1 tháng.
Quản lý cũng lo…
Các cơ quan quản lý liên quan đang nỗ lực để bình ổn giá thuốc, từ việc tư vấn dùng thuốc tại các bệnh viện nhằm tư vấn đúng thuốc, đúng bệnh cũng như các loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân hay đưa ra nguyên tắc không kê khai tràn lan đối với các bác sĩ….
Với các thuốc điều trị cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế cho biết giá vẫn được giữ nguyên đến hết thời gian trúng thầu (30/09/2011). Đề phòng trường hợp khan hiếm thuốc, các đơn vị cung cấp phải trình được giải pháp duy trì nguồn hàng, ưu tiên cung ứng cho các bệnh viện để phục vụ trực tiếp người bệnh... lên Sở Y tế.
Theo BSCKII Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Sở cũng sẽ “chia sẻ” với các nhà thầu trong công tác bình ổn giá thuốc. “Đối với các loại thuốc trong danh mục thuốc doanh nghiệp cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có giá tăng từ 5% trở lên so với giá trúng thầu thì doanh nghiệp cần tổng hợp, báo cáo kịp thời để Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, trình UBND thành phố xem xét giải quyết”, Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Tuy nhiên, có những yếu tố mà các đơn vị quản lý không thể tác động được. Theo công ty Darphaco, đơn vị điều chỉnh giá 42 loại thuốc (trong đó 28 loại thuốc do chính công ty sản xuất), giá thuốc tăng vì giá nguyên liệu tăng, giá xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển, sản xuất cũng tăng theo.
Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan khác là giá thuốc ở Đà Nẵng bị chi phối bởi thị trường thuốc tại Hà Nội và TPHCM vì thế không thể tránh được những biến động khó lường.
Niêm yết giá: Mỗi nơi mỗi kiểu
Khảo sát tại các quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khá nhiều mặt hàng không được niêm yết giá theo như qui định. Đa phần đều lấy lí do: đang “gỡ” giá niêm yết cũ ra để niêm yết theo giá mới.
Trong vai người đi mua thuốc, vào một quầy thuốc trên đường Ông Ích Khiêm khi hỏi mua lọ thuốc bổ sủi bọt Beroca, dược viên đưa ra với giá niêm yết dán trên hộp 69.000 đồng. Tuy nhiên, tại quầy thuốc ngay bên chợ Hòa Cường chỉ dán với giá 64.000 đồng, tại quầy thuốc trên đường Trưng Nữ Vương lại bán với giá 75.000 đồng. Hay như sản phẩm đông dược Testovim được niêm yết giá tại các quầy thuốc theo giá của người bán, từ 60.000 đồng đến 64.000 đồng.
Lí giải vấn đề trên, chị T. một chủ quầy thuốc cho biết: Trước đây, khi chưa tăng giá nên có quầy bán từ 62.000 đến 69 nghìn đồng/ 1 lọ; thế nhưng từ khi có tăng giá thuốc có quầy niêm yết theo giá mới là 75.000 đồng, có quầy vẫn để giá cũ nên mới có sự chênh lệch thế. |