Khai gian giá: “Bệnh lờn thuốc”?

Sau cú lột trần thủ đoạn qua mặt biện pháp kê khai giá với Cục Quản lý dược, đầu tháng 4, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội đã phúc kiểm việc kê khai giá thuốc tại một số chi nhánh và công ty dược.

Khai gian giá: “Bệnh lờn thuốc”? - 1
Nhiều doanh nghiệp khai gian giá thuốc (ảnh minh họa: Tuổi trẻ)
 
Đơn cử tại chi nhánh Công ty OPC, trong số 24/26 mặt hàng “khai lại”, mức giảm đã lên tới 13 - 65% so với mức cũ.

Thế nhưng điều bất ngờ là dù “khai lại” song mức mới này vẫn cao hơn giá thị trường. Vì thế tại nhiều nhà thuốc tư nhân, giá thuốc vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng 5 - 30%, chủ yếu vẫn là các thuốc thiết yếu như kháng sinh, giảm đau, tim mạch, tuần hoàn não, tiểu đường, huyết áp, dạ dày, vitamin C, thuốc ho bổ phế, long đờm, kháng viêm, thuốc nhỏ mũi và nhiều loại men tiêu hóa...

Như vậy, dù đã sử dụng chế tài mạnh là xử phạt nhưng xem ra các giải pháp quản lý giá thuốc hiện hành đã bất lực khi “bệnh cũ tái phát”. Có lẽ vì thế mà trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, lãnh đạo Bộ Y tế đã ngỏ ý “trả” trách nhiệm quản lý giá thuốc về Bộ Tài chính, cơ quan “gác cửa” lĩnh vực quản lý giá.

Thế nhưng thuốc không phải là mặt hàng Nhà nước định giá nên dù y tế hay tài chính quản lý có lẽ hiệu quả cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, bởi chính Bộ Tài chính từng loay hoay với “bài toán” giá sữa mấy năm nay mà không “giải” nổi!

Vậy chả lẽ cả bộ máy quản lý hùng hậu lại chịu thua con “virus” giá ác tính hay sao?

Thực tế là không có đất nước nào sử dụng bộ máy công chức của mình đi săm soi giá bán lẻ, giá CIF (hoặc chi phí sản xuất) của hàng vạn mặt hàng thuốc (hay bất cứ mặt hàng nào khác), bởi đơn giản nhất là không đủ người và thì giờ. Điều duy nhất mà bộ máy nhà nước có thể (đủ thì giờ và năng lực) làm là xây dựng thể chế, tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội cùng tham gia quản lý.

Chẳng hạn như với việc quản lý giá thuốc không chỉ giao cho một cơ quan y tế (hay tài chính) mà phải huy động sự giám sát tích cực từ tổ chức bảo vệ quyền lợi bệnh nhân (có thể là Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Chữ thập đỏ); của tổ chức đại diện cho đạo đức các thầy thuốc (như Tổng hội Y Dược); của đại diện các nhà sản xuất, phân phối thuốc (như Hiệp hội Dược)... mà ở đó Nhà nước chỉ giữ vai trò điều phối chung.

Cạnh đó cần phát huy cao nhất vai trò của báo chí, loại phương tiện luôn sẵn sàng trích dẫn các ý kiến có cơ sở của cơ quan quản lý hay bất kỳ tổ chức xã hội nào, về tình trạng làm giàu bằng cách “bóp cổ” bệnh nhân thông qua việc tăng giá thuốc vô lý.

Còn nếu cứ để bộ này đẩy cho bộ kia sẽ không có “thuốc” nào “điều trị” nổi!

Theo Bằng Lĩnh
Báo Pháp luật TPHCM