Giá thuốc nội tăng mạnh hơn thuốc ngoại

(Dân trí) - Chiều 29/3, theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội thì những ngày gần đây hàng trăm mặt hàng thuốc đồng loạt tăng giá. Cụ thể: 240 trong số 4.000 loại thuốc đã tăng từ 3-30%, trong đó thuốc nội tăng mạnh nhất.

Thuốc nội tăng tới 30%

Các loại kháng sinh nhập ngoại như Zinnat tablets 500mg (chữa viêm họng, viêm đường ruột, kháng khuẩn,…) tăng từ 25.000đ/viên lên 28.000đ/viên, Augmentin (kháng sinh) tăng từ 18.000đ/viên lên 20.000đ/viên. Các loại thuốc tăng giá vẫn tập trung ở nhóm giảm đau, tim mạch, tuần hoàn não... Cụ thể, thuốc tuần hoàn não Cavinton F10mg tăng từ 3.400đ/viên lên 4.600đ/viên.

Giá thuốc nội tăng mạnh hơn thuốc ngoại - 1

Thuốc tây đua nhau tăng giá - gánh nặng cho người bệnh (ảnh: T.H)

 
Một chủ cửa hàng thuốc trên đường Cầu Giấy cho biết, từ đầu năm đến nay các công ty dược đã điều chỉnh giá tới vài lần (tùy từng loại thuốc), giá thuốc nhập ngoại trung bình tăng từ 10-20%, một số tăng không đáng kể (chỉ 4-8%). Cụ thể, các thuốc điều trị tim mạch, ung thư, xương khớp, kháng sinh… như Cerebrolysin 10ml tăng từ 89.040đ/ống lên 96.600đ/ống, Sedacoron 150mg từ 15.600 đồng lên 16.700 đồng/ống 3ml, Doxorubicin 50mg lọ 521.500 đồng lên 550.400 đồng/lọ, Viatril - S từ 388.500 đồng lên 407.5000 đồng/hộp,… 
 
Nhưng, các thuốc nội như Bobina (chữa viêm gan, viêm gan vi rút B) tăng từ 40.000đ/hộp lên 55.000đ/hộp, Kaminda (điều trị trứng cá, mụn nhọt) tăng từ 48.000đ lên 72.000đ, que thử thai Chíp Chíp tăng từ 9.000đ - 14.000đ/que,… là tăng nhiều nhất từ 25-35%.
 
Do chi phí đầu vào biến động mạnh

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Sở đã nhận được báo cáo điều chỉnh giá thuốc của hơn 20 công ty dược. 240 trong số 4.000 loại thuốc đã tăng từ 3 - 30%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội SXKD Dược Việt Nam cho rằng chủ yếu do tỉ giá ngoại tệ tăng đã đẩy giá thuốc lên. Hiệp Hội SXKD Dược Việt Nam cũng dự báo trong tháng tới, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể tăng giá bởi Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ. Giá thành thuốc sản xuất trong nước còn đội lên do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên liệu, xăng dầu, vận tải… đều tăng. Do đó, giá các mặt hàng thuốc nhập khẩu, thuốc sản xuất trong nước có thể tăng với tỷ lệ hợp lý do đầu vào tăng.

Việc giá thuốc đủng đỉnh tăng hết đợt này đến đợt khác với muôn vàn lý do không còn là lạ, tuy nhiên một số nhóm tăng đến 35% thì lại là vấn đề lớn với những người mắc bệnh mãn tính. Đây thực sự là một gánh nặng đối với người bệnh.

T.H