Giá thuốc cao sẽ “ngăn chặn” người hút thuốc

(Dân trí) - Bà Pamela Sumner Coffey, Phó chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ (TFK) cho rằng, giá thuốc lá cao sẽ khiến người hút thuốc lá bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút, và ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở những người tiêu dùng tiềm năng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách tăng thuế thuốc lá với mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra?

Tôi cho rằng, tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp có tác động trực tiếp và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc và giảm gánh nặng của các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam và cũng như trên toàn thế giới.

Bà Pamela Sumner Coffey, Phó chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ (TFK) cho rằng Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá ở mức 2000 đồng/bao hoặc tối ưu là 5000 đồng/bao.
Bà Pamela Sumner Coffey, Phó chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ (TFK) cho rằng Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá ở mức 2000 đồng/bao hoặc tối ưu là 5000 đồng/bao.

Bởi khi giá thuốc lá cao hơn khuyến khích một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút, và ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở những người tiêu dùng tiềm năng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về PCTHTL để giảm tỷ lệ hút thuốc và giảm gánh nặng bệnh tật thuốc lá, Việt Nam cần phải phải áp dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh.

Thưa bà, vậy như thế nào là một chính sách thuế đủ mạnh để góp phần giảm tỉ lệ người hút thuốc? Bà đánh giá như thế nào về chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam? Trong trường hợp cần cải cách thuế của Việt Nam nên như thế nào?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các chính sách thuế thuốc lá mạnh nhất đến từ cấu trúc thuế sử dụng thuế tuyệt đối đồng nhất, với giá tính thuế được xác định rõ ràng và thực hiện tăng thuế thường xuyên để giảm khả năng chi trả của các sản phẩm thuốc lá.

Tôi đánh giá chính sách thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện không đủ mạnh vì chỉ áp dụng cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, và áp dụng giá tính thuế dựa trên giá xuất xưởng – là một mức giá khó xác định.

Do đó, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện đang rất thấp, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn và làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam hiện áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở mức 70% giá xuất xưởng. Và nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).

Như một bước chuyển tiếp hướng tới một loại thuế tuyệt đối thống nhất, Việt Nam có thể áp dụng một hệ thống thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh tiếp tục áp dụng thuế theo tỷ lệ như hiện hành. Bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng các loại thuế tuyệt đối có hiệu quả hơn trong việc giảm sử dụng thuốc lá, dễ quản lý và đem lại doanh thu thuế đáng tin cậy hơn.

Dựa trên bằng chứng này, các chuyên gia khuyến cáo rằng Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá ở mức 2000 đồng/bao hoặc tối ưu là 5000 đồng/bao, bên cạnh đó cần tiếp tục tăng thuế một cách thường xuyên để theo kịp với sự gia tăng thu nhập và lạm phát. Đây là một giải pháp giúp đảm bảo rằng chính sách thuế có tác động có ý nghĩa đối với việc giảm sử dụng thuốc lá, ngăn ngừa tử vong và đem lại doanh thu thuế đáng kể cho Nhà nước.

Theo bà, Việt Nam cần làm gì để giảm tỷ lệ hút thuốc lá đặc biệt trong thanh thiếu niên, và để thế hệ trẻ em lớn lên có thể tránh xa thuốc lá?

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc từ 45,3% năm 2015 xuống 39% vào năm 2020 và đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá, tôi cho rằng Việt Nam cần áp dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh vào năm 2019.

Bởi chính sách thuế thuốc lá mạnh hơn với thuế thuốc lá cao hơn làm giảm khả năng chi trả của các sản phẩm thuốc lá đặc biệt có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như thanh thiếu niên và những người hút thuốc có thu nhập thấp.

Việc tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế sẽ làm giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tử vong và tăng doanh thu thuế. Cùng với việc thực hiện toàn diện và thực thi các biện pháp kiểm soát thuốc lá khác như môi trường không khói thuốc và cấm quảng cáo thuốc lá, chính sách thuế thuốc lá mạnh hơn sẽ đem đến một thế hệ tương lai của Việt nam không thuốc lá.

Xin cảm ơn bà!

Hạnh Nguyên (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm