Thuốc lá gây ra hàng loạt ca đột quỵ tim
(Dân trí) - "Chắc chắn nhiều người trong cúng ta đã từng chứng kiến những ca đột quỵ, nhồi máu cơ tim do sơ vữa động mạch. Ngoài nguyên nhân do huyết áp, thuốc là là căn nguyên gây ra bệnh tim mạch, với 30% ca tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ thuốc lá", PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.
Tại Lễ Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5, PGS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” bởi sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch nhưng nhiều người dân chưa lường được nguy cơ của khói thuốc với bệnh tim mạch. Thực tế, 30% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc, 12% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc thụ động.
Phát biểu lại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40,000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
"Cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá một năm là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ) trong số 25 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 24 nghìn tỷ đồng/năm.", Bộ trưởng nói.
Trong những năm qua, nhờ những nỗ lực trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ hút thuốc lá của Việt Nam đang dần giảm xuống. So với năm 2010, năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm 6,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%. Đặc biệt Tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại nhà giảm 13,2%; Trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%.
Bên cạnh những kết quả và những thuận lợi, công tác PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuốc lá. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mặc dù đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng còn chưa thường xuyên; Lãnh đạo của một số cơ quan đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện quy định của Luật PCTH của thuốc lá; Việc chấp hành trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc còn chưa nghiêm...
Bộ trưởng kêu gọi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền Luật PCTH thuốc lá, chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc khác theo quy định của Luật PCTH thuốc lá.
Hồng Hải